Tạ ơn trời! CHỮ ĐỘNG

Tạ ơn Trời! Mỗi sớm mai thức dậy, ta có một ngày mới để yêu thương

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

TỤC LỆ NGÀY TẾT VỚI NHÀ ĐẠO

Tết đối với người Việt Nam chúng ta là một ngày trọng đại. Từ ngàn xưa đã có những nét đẹp văn hóa ngày Tết mà cho đến nay vẫn tồn tại và cần được phát huy. Người Việt Nam Công giáo cũng tiếp nhận những phong tục tốt đẹp này theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là "Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc".
Sau đây là ghi nhận một số những tục lệ tốt đẹp ngày Tết mà nhiều nơi đang áp dụng.
Tảo mộ
Người Việt Nam có tục lệ đi tảo mộ ngày cuối năm, cứ từ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, người ta đến các nghĩa trang để sửa sang lại phần mộ ông bà tổ tiên, cha mẹ đã quá cố. Tục lệ này nói lên lòng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất nhân dịp đón xuân mới. Người Công giáo cũng tiếp nhận điều tốt đẹp này, nên dịp cuối năm, các nghĩa trang giáo xứ luôn luôn có đông đảo giáo dân đến viếng, quét vôi, dọn cỏ, trồng hoa, thắp hương và hơn hết là dâng lời cầu nguyện cho ông bà tổ tiên.
Lễ tất niên tạ ơn
Tại nhiều xứ, ngoài lễ tạ ơn chung của giáo xứ, các khu họ đều xin lễ tất niên vào tuần lễ giáp Tết. Tùy theo số khu họ trong một giáo xứ mà cha xứ sắp xếp để mỗi khu họ có được một thánh lễ riêng. Toàn thể giáo dân trong khu họ được mời tham dự với hương hoa, của lễ và những ý nguyện riêng mà tựu trung là tạ ơn, cầu nguyện cho những người mới qua đời trong năm, cầu xin cho một năm mới bình an. Sau thánh lễ, tùy theo điều kiện, bà con quây quần liên hoan để có dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm vui buồn. Tạo tình đoàn kết yêu thương nhau trong tinh thần "Góp gạo nấu cơm chung" nhẹ nhàng nhưng đậm đà tình nghĩa.
Đón ông bà
Chiều 30 Tết, theo phong tục Việt Nam, mỗi gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên theo ý nghĩa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cũng được đón nhận nơi đồng bào Công giáo. Nhiều giáo xứ, ngay từ sáng 30 đã mở cửa nhà hài cốt, nhà tưởng niệm... để giáo dân đến kính viếng, mời ông bà tổ tiên cùng chứng kiến những ngày Tết xum họp của con cháu. Ai ai cũng xin ông bà cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho con cháu trong năm mới và còn hiệp ý xin lễ cầu nguyện cho các ngài (qua các thùng xin lễ).
Đón giao thừa
Đón giao thừa là một nét đẹp không thể thiếu của các gia đình Việt Nam dù ở thôn quê hay thành thị. Trước giờ giao thừa, mọi người dù ở đâu, làm gì cũng cố gắng trở về quây quần bên nhau để chờ đón giây phút linh thiêng. Với người Việt Nam Công giáo, từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II, Giáo hội Việt Nam đã đề nghị các giáo xứ tổ chức thánh lễ tạ ơn cuối năm trước giờ giao thừa. Trong thánh lễ này cũng có dành thời gian để mục tử và đoàn chiên nhìn lại sinh hoạt mục vụ năm cũ, đề ra những chương trình cho năm mới. Phần cuối lễ thường là dành để cộng đoàn, cha xứ cùng chúc mừng năm mới với những tràng vỗ tay hoan hỉ. Thánh lễ thường kết thúc khoảng 23 giờ để mọi người trở về gia đình đón giao thừa.
Hái lộc
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, theo tinh thần Hội nhập văn hóa, hầu như tại các xứ đạo đều có tổ chức "hái lộc đầu xuân". "Lộc" ở đây là các phong bao lì xì, trong có kèm một câu trích trong sách Tin Mừng, được treo trên các chậu cảnh hay những cành đào, cành mai đặt trên cung thánh. Sau lễ giao thừa, mọi người lần lượt lên "hái lộc Lời Chúa". Mỗi câu Lời Chúa nhận được như là ý Chúa gửi đến mỗi người, mỗi gia đình. Hiện nay, với công nghệ in ấn hiện đại, mỗi gia đình thường được cha xứ và Hội đồng Giáo xứ gửi biếu một tờ lộc in lớn, còn hái lộc tại nhà thờ là lời Chúa gửi đến từng cá nhân người đón nhận.
Giờ kinh giao thừa
Sau thánh lễ tại nhà thờ, gần tới giờ giao thừa, cha mẹ con cái họp nhau đầy đủ trước bàn thờ nơi gian nhà chính; quần áo chỉnh tề, trang nghiêm, tâm hồn thanh thản, vui tươi sẵn sàng chào đón năm mới. Đúng giờ giao thừa, mỗi người cầm một thẻ nhang đã đốt sẵn, cùng nhau cử hành nghi lễ. Chương trình cơ bản là: - lời nguyện mở đầu của cha hay mẹ - tuyên xưng đức tin - suy tôn Lời Chúa - các thành viên dâng lời nguyện tự phát - tôn kính tổ tiên qua nghi thức dâng hương bái tạ. Hát một bài tạ ơn.
Sau đó con cái lần lượt đến chúc thọ ông bà, chúc tuổi cha mẹ. Các bậc bề trên nhắn nhủ, chúc lành cho các con cháu. Kết thúc là phần liên hoan đón mừng năm mới của gia đình.
Trên đây là một số ghi nhận của người viết qua các gia đình Công giáo ở nhiều nơi, thành phố, nông thôn đã thực hiện. Rất mong những phong tục tốt đẹp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được duy trì và phát huy vì "những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người" (Hiến chế Tín lý về Giáo hội 17,1)
Trích trong báo CGVDT, tác giả Minh Đỗ.

12 nhận xét:

  1. anh XUÂN ơi nhiều thủ tục vậy thì anh đã chuẩn bị được những gì rồi ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Lan Anh! Những phong tục, nghi lễ tốt đẹp đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam này, được duy trì và phát huy lâu ngày trong tâm hồn và tư tưởng của người Công giáo. Đọc thì thấy nhiều, nhưng hầu như tất cả đều đã được chuẩn bị sẵn sàng theo thời điểm trong các xứ đạo, trong tâm hồn và hành động của mỗi người rồi đó (anh Xuân cũng vậy) Chúc Lan anh và gia đình chuẩn bị đón một mùa xuân như ý (đâu đâu cũng thấy mọi người nô nức đón anh Xuân rùi, hii)

      Xóa
    2. anh chơi ăn gian wa ha bắt mọi người đều phải đón anh hihiii

      Xóa
    3. Chào Lan Anh! Hi hi!i Coi Hợp ca Thúy Nga đón anh Xuân đây nè

      [youtube]http://youtu.be/C0VZ0xIcqYI[/youtube]

      Xóa
  2. Thật nhiều ý nghĩa, Anh Xuân tuyệt vời.
    Năm mới chúc anh tràn đầy sức khoẻ để phục vụ.
    Cầu Chúa ban phúc cho anh trong những ngày này để anh vượt qua mọi khó khăn trong ơn Thánh Chúa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào chú Tuyên! Cảm ơn em nhiều. Xin chúa chúc lành cho anh em chúng` con và mọi người: Cầu nguyện cho anh Xuân. Chúc em và gia đình tràn đầy Ơn thánh Chúa trong mùa xuân Quý Tỵ nhé - Chào thân.

      Xóa
  3. Anh ơi, bao giờ thì anh sẽ thực hiện cái nan y cuộc đời anh nhớ cho em biết để cầu nguyện cho anh ha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Tuyên! Cầu nguyện nhiều cho anh. Chắc qua tết em à.
      [img]https://lh6.googleusercontent.com/-tP_0pQ1Ust4/UOe4CLpHWjE/AAAAAAAAAzw/5xZQdDD1ccE/s213-c/Ngay05Thang1Nam2013[/img]

      Xóa
  4. EM SANG THĂM ANH,CHÚC ANH HẠNH PHÚC CHAN HÒA BÌNH AN TRÀN ĐẦY HỒNG ÂN CỦA CHÚA XUÂN,

    Trả lờiXóa
  5. Chào Phượng Vũ
    Chúc em hạnh phúc chan hòa
    Bình an trong Chúa bao la ơn trời
    Mùa xuân Quí tỵ rạng ngời
    Tin yêu hy vọng một đời cậy trông

    Trả lờiXóa
  6. Em đến thăm anh.Kính chúc anh đêm an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào Khanh, vẫn khỏe đó chứ, có gì mới cho anh Xuân biết với nhé.
      Chúc em niềm vui an lành hạnh phúc

      Xóa

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]