Tạ ơn trời! CHỮ ĐỘNG

Tạ ơn Trời! Mỗi sớm mai thức dậy, ta có một ngày mới để yêu thương

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

LUẬT THƠ

LUẬT THƠ

Photobucket 



Thơ Lục Bát


Nguyễn Văn Xuân
Thơ Lục Bát là một thể thơ của người Việt Nam : Dùng để tâm sự, kể chuyện hay viết tiểu thuyết bằng văn vần. Bài dài ngắn là tùy ý, nhưng bao giờ cũng phải kết thúc bằng câu 8 chữ.
1- Cách gieo vần:
“ Một thương em tính thật thà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương kinh lễ chăm chuyên
Bốn thương phục vụ ưu tiên người nghèo…”
(Thơ : SAKE-Bài Mười thương…em)-TCVN
Chữ cuối của câu 6 gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8
Chữ cuối của câu 8 gieo vần với chữ cuối câu 6
Cứ mỗi hai câu thì đổi vần nhưng bao giờ cũng phải gieo ở vần bằng.
Vần có hai loại là vần Bằng và vần trắc
Vần bằng: ký tự chữ B (Là các chữ có dấu huyền hoặc không dấu).
Vần trắc: ký tự chữ T (Là các chữ có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, hoặc dấu nặng.
Vận hay vần là những tiếng đồng thanh với nhau. Khi gieo phải hiệp với nhau, gọi là ( Hiệp vần) bài thơ mới hay được.
thí dụ: liêu, xiêu, chiêu, miêu
Còn, ton, lòn, son…v v
2. Luật Bằng Trắc
Câu 6: B B T T B B
Câu 8: B B T T B B T B
“Khi con/ mải đắm/ cuộc tình,
Bài thơ/ dệt mộng/ lung linh/ ảo huyền.
Mơ theo/ hạnh phúc/ bạc tiền,
Con quên/ mất Chúa/ ưu phiền/ thương con…”
                       ( Nguyễn Văn Xuân)-TCVN
Tuy nhiên để nhẹ nhàng cho hồn thơ bay, bớt đi gò bó ta chỉ cần thực hiện luật:
"nhất, tam, ngũ bất luận",
"nhì, tứ, lục phân minh".
Có nghĩa là chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 không nhất thiết phải theo đúng luật (Bất luận). Còn các chữ thứ 2, thứ 4, và thứ 6 bắt buộc phải theo(Phân minh)
3- Thanh:
Thanh gồm có trầm thanh và phù thanh
Trầm thanh là những chữ hay tiếng có dấu huyền. Ví dụ: tòng, phòng, lòng, còng... Phù Thanh là những chữ hay tiếng không có dấu. Ví dụ: lau, rau, mau, đau…
Trong câu 8: hai chữ thứ 6 và thứ 8 luôn là vần Bằng, nhưng không được cùng một thanh, thì âm điệu mới hay và êm ái. Cho nên chữ thứ 6 là Phù thanh thì chữ thứ 8 phải Trầm Thanh, và ngược lại.
Ví dụ:
Hoa lòng muôn sắc tràn trề niềm tin
(Chữ trề là trầm thanh, chữ tin là phù thanh)
Nhìn lên gương Mẹ gắng ghi trong lòng
(Chữ ghi là phù thanh, chữ lòng là bình thanh)
(Thơ : SAKE-Bài: AVÊ)-TCVN
Trên đây là đôi nét niêm luật về thơ lục bát.
Chúc các bạn thành công,và có nhiều thơ hay góp sắc hương cho đời.

THƠ SONG THẤT LỤC BÁT
                                                          Nguyễn Văn Xuân
Thơ song thất lục bát gồm có 2 câu đầu 7 chữ rồi đến 1 câu 6 chữ, 1 câu 8 chữ.
4 câu được gọi là một đoạn ( Số đoạn muốn đặt bao nhiêu cũng được,không bắt buộc)
Cách gieo vần:
Chữ cuối câu thất trên vần với chữ thứ 5 câu thất dưới, chữ cuối câu thất dưới vần với chữ cuối câu lục, chữ cuối câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát. Và chữ cuối câu bát vần với chữ thứ 5 (đôi khi chữ thứ 3) của câu thất tiếp theo.
Vần có hai loại là vần Bằng và vần trắc
Vần bằng: ký tự chữ B (Là các chữ có dấu huyền hoặc không dấu).
Vần trắc: ký tự chữ T (Là các chữ có dấu sắc, dấu hỏi, dấu ngã, hoặc dấu nặng.
Vận hay vần là những tiếng đồng thanh với nhau. Khi gieo phải hiệp với nhau, gọi là ( Hiệp vần) bài thơ mới hay được.
thí dụ: liêu, xiêu, chiêu, miêu v.v.
Câu 1 (7 chữ): B B T T B B T
Câu 2 (7 chữ): B B T T B B T
Câu 3 (6 chữ): B B T T B B
Câu 4 (8 chữ): B B T T B B T B
Luật bằng trắc:
Câu bảy chữ thứ nhất:
Chữ thứ 3 và chữ thứ 7 dùng tiếng trắc. Chữ thứ 5 dùng tiếng bằng
Câu bảy chữ thứ hai:
Chữ thứ 3 và chữ thứ 7 dùng tiếng bằng. Chữ thứ 5 dùng tiếng trắc
Câu 6 và câu 8 thì theo luật thơ lục bát
Hai đoạn song thất lục bát làm thí dụ:
Ngâm khúc: NHỌC NHẰN
Mồ hôi Mẹ thắm nồng đất NƯỚC
Thắm thịt da mong ƯỚC từng NGÀY
Bàn tay cháy nắng dạn DÀY
Gió sương gian khổ đắng CAY nhọc nhằn
Quê hương Mẹ vết HẰN năm THÁNG
Chân Mẹ chồn vẫn GẮNG sức ĐI
Nhọc nhằn Mẹ chẳng nề CHI
Trăm năm Mẹ vẫn khắc GHI bên lòng...
( Trích: Trường Thi Mẹ Việt Nam - TG: Nguyễn Văn Xuân)
  Kính chúc các thi hữu có nhiều bài thơ hay.

THI PHÁP THƠ ĐƯỜNG LUẬT
HAY LUẬT THI (cận thể) VÀ CỔ PHONG (cổ thể)
                                Bài viết của Khải Chính Phạm Kim Thư
         Thơ Đường Luật hay Luật Thi (cận thể) là loại thơ ngũ ngôn hay thất ngôn (bát cú và tứ tuyệt hay tuyệt cú) được làm theo luật thơ rất có quy củ đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Quốc (618-907).
       Thơ Cổ Phong (cổ thể) là thể thơ tương đối tự do gồm những câu thơ 5 chữ hay 7 chữ (ngũ ngôn cổ phong hay thất ngôn cổ phong), không hạn chế số câu. Thơ Cổ Phong xuất hiện vào đời Đông Hán (25-220), trước đời nhà Đường.
I. Đặc Tính và Tác Dụng của Thơ
         Làm văn đã khó mà làm thơ, nhất là thơ Đường Luật, lại càng khó hơn.Trước khi bàn về thi pháp của Thơ Đường Luật, chúng ta cần phải hiểu về các đặc tính và tác dụng của thơ.
         Thơ là hình thức đầu tiên của văn học. Thơ có trước văn tự và âm nhạc. Cảm xúc là nguồn gốc của thơ. Cảm xúc bị xúc động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu gọi là thơ. Điều này có nghĩa là thơ dùng để biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người. Do đó đặc tính của thơ là cảm xúc và nhạc tính. Nhạc tính ở đây có nghĩa là âm hưởng (harmony) và tiết tấu (rhythm). Âm hưởng là sự hòa điệu, hòa âm, và hòa thanh của các từ được dùng để gây xúc động cho thính giả. Tiết tấu có nghĩa là nhịp điệu và sự ngắt nhịp trong câu thơ.
          Thơ có tác dụng để tạo tình hòa khí giữa vợ chồng, củng cố lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ và ông bà, xây dựng đạo làm người, giáo hóa về luân thường đạo lý cho nhân loại, thăng hoa tình cảm con người, can ngăn các việc làm ngang trái của nhà cầm quyền, và cải thiện phong tục cùng tập quán của xã hội. Chính vì thế mà người ta có quan niệm “văn dĩ tải đạo”, tức là thơ văn dùng để chuyên chở đạo lý.
          Nói chung thơ là nghệ thuật truyền thông tư tưởng và cảm xúc bằng ngôn ngữ đượm tính âm nhạc. Mỹ cảm trong thơ do tiết tấu và âm hưởng tạo ra. Thơ nhạc thường đi đôi với nhau vì những bài thơ hay thường được phổ nhạc. Chính vì thế thơ là một nghệ thuật và hệ thống ký hiệu làm phát sinh trong lòng ta những cảm giác, tình cảm, tư tưởng, và ý tưởng. Và cũng chính vì thế mà thơ còn được các nhà cách mạng Quốc Gia chân chính sử dụng để khích động, kích thích, và dẫn khởi lòng yêu nước thương nòi cùng trí tưởng tượng của chúng ta để dùng vào việc cứu nước cứu dân, hầu xây dựng tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt.
II. Sự Sáng Tác Thơ
          Sự sáng tác thơ có nghĩa là việc làm thơ. Việc sáng tác thơ bao gồm “lập ý” và “tu từ.”
a. Việc Lập Ý
        Lập ý có nghĩa là khi làm thơ chúng ta cần phải diễn đạt đúng với những ý tưởng và cảm xúc đang có trong lòng một cách chân thành. Đó là nội dung bài thơ. Chính vì thế mà thơ có thể làm cho người đọc cảm ứng theo ý thơ mà rơi lệ. Việc “lập ý” trong thơ Đường có quy luật về phép dàn ý (xin xem phần nói về bố cục của bài thơ Đường luật “thất ngôn bát cú”.
b. Việc Tu Từ
       Tu từ có nghĩa là cách dùng chữ hay lời thơ đúng cách và chải chuốt để diễn đạt ý thơ. Tu từ thuộc về mặt hình thức của bài thơ.. Chữ hay lời thơ có tác dụng khích động độc giả. Chính vì thế mà việc tu từ giữ một địa vị quan trọng thi pháp.
        Có hai khuynh hướng về cách dùng chữ trong việc làm thơ: dùng chữ một cách cầu kỳ để kích động độc giả và dùng chữ một cách tự nhiên và bình dị. Việc chủ trương sử dụng chữ một cách cầu kỳ, nhất là trong thơ Đường Luật, là cốt để kinh động độc giả theo ý muốn của nhà thơ. Thơ Đường Luật thuộc về loại thơ nặng phần kỹ xảo.
          Những người chủ trương dùng chữ một cách tự nhiên và bình dị quan niệm rằng nếu dùng chữ cầu kỳ quá thì ý thơ sẽ mất đi. Đã mất ý đi thì dù lời thơ có khéo cho mấy cũng làm cho bài thơ mất giá trị đi.
          Muốn việc sử dụng chữ trong một bài thơ được hay và đúng cách, các nhà làm thơ không nên để việc trùng ý xảy ra, không dùng chữ dư thừa vô ích, và tuyệt đối không được dùng chữ tục tĩu. Việc dùng điển cố thì tùy từng trường hợp, tuy nhiên, không nên vì sử dụng điển cố mà làm cho bài thơ tối nghĩa và mất tự nhiên. Muốn việc tu từ được chu đáo, nhà thơ cần phải đọc thơ cho nhiều và để ý chọn chữ cho đúng cách. Khi đã đọc nhiều thơ của các thi nhân nổi tiếng, chúng ta sẽ học hỏi được cách dùng từ và trau dồi thêm ý thơ, nhiên hậu chúng ta sẽ làm thơ được dễ dàng, tức là nói ra đã thành thơ rồi.
c. Sự Tương Quan Giữa Lập Ý và Tu Từ
          Theo thường tình thì nội dung bài thơ quan trọng hơn hình thức của nó. Điều này có nghĩa là việc “lập ý” quan trọng hơn việc “tu từ.” “Lập ý” là tinh thần và linh hồn, còn “tu từ” chỉ là phục sức hay thân thể mà thôi. Ý nghĩa mới là chính, việc dùng chữ chỉ là thứ yếu mà thôi. Một bài thơ hay là cốt ở ý có cao sâu hay không. Nếu một bài thơ mà cách dùng chữ có hay đến mấy nhưng không có ý cao sâu thì cũng là bài thơ dở. Ý thơ do cảnh ngộ mà có vì cảnh ngộ sinh ra cảm xúc rồi cảm xúc tạo ra ý thơ, rồi sau đó mới dùng lời để diễn đạt. Tuy nhiên, ý thơ được diễn tả bằng lời thơ. Vì thế việc lập ý và tu từ cần phải được đi đôi với nhau thì bài thơ mới tuyệt diệu. Có nhiều trường hợp mà lời không diễn tả được hết ý nhưng vẫn tạo được ý ở ngoài lời. Đó là trường hợp “ý tại ngôn ngoại.”
          Việc sáng tác thơ thường do tính tự nhiên phát khởi cả về ý lẫn từ mà có. Chính vì thế mà các nhà làm thơ đã sáng tác được các câu thơ hay tuyệt diệu nhưng lại không biết cách giải thích tại sao mình làm được những câu thơ đó. Nhiều người chủ trương rằng khi làm thơ, người ta chỉ cốt sao diễn tả được ý và có chút vần điệu là được. Có ý và có vần điệu thì đó là thơ.
           Đã có người cho rằng tiếng Việt ta khi nói ra cũng đã là thơ rồi. Người ta định nghĩa thơ (thi) là thể văn có thanh, vận, âm điệu rõ ràng, và có thể ngâm vịnh được. Quả thật như vậy, tiếng Việt của ta có đủ các yếu tố trên. Tiếng Việt chúng ta có âm điệu thật du dương là nhờ ở tám thanh: 2 thanh bằng và 6 thanh trắc. Những tiếng không dấu hay có dấu huyền được xếp vào loại tiếng có thanh bằng, do đó ta có 2 thanh bằng.Tiếng có dấu sắc, nặng, hỏi, và ngã được xếp vào loại thanh trắc. Riêng tiếng có dấu sắc và dấu nặng lại được chia ra mỗi tiếng có 2 thanh nữa là thanh trắc nhập và thanh trắc khứ tùy theo tiếng đằng sau nó có các phụ âm c, ch, p, và t hay không.            
Thí dụ:
           Thanh trắc khứ: chống, thắng
           Thanh trắc nhập: chốc, trách, chấp, chất
           Thanh trắc khứ: động, rộn
           Thanh trắc nhập: độc, trạch, chộp, chột
           Ở Trung Quốc, thanh âm xưa và nay không giống nhau. Trước đây, chẳng hạn như tiếng Bắc Bình (Quan Thoại) có 4 thanh, tiếng Thượng Hải có 5 thanh, và tiếng Quảng Đông có 7 thanh. Từ đời nhà Đường (618-907) và đời nhà Minh (1368-162 , ngôn ngữ của Trung Quốc có 4 thanh (tứ thanh). Bốn thanh được sử dụng trong thơ Đường gồm 1 thanh bằng (bình thanh) và 3 thanh trắc (thượng thanh, khứ thanh, và nhập thanh).
Thí dụ:
          Bình thanh: đông. Thượng thanh: đổng.
          Khứ thanh: đống. Nhập thanh: đốc
          Những người phóng khoáng chỉ cốt diễn tả ý một cách trung thực đều không thích làm thơ Đường Luật (Luật Thi) theo lối bát cú (thất ngôn, ngũ ngôn) hay tứ tuyệt (tuyệt cú). Lý do chính là hai loại thơ này đều là thi pháp của Tàu và có luật lệ rất khắt khe. Nếu đã nói là làm thơ Đường Luật thì ta bắt buộc phải theo niêm luật nhất định. Chính vì thế mà các cụ ta và ngay cả các người làm thơ thời nay thường làm loại thơ trông có vẻ là thơ Đường Luật, cũng thất ngôn và ngũ ngôn bát cú hay tứ tuyệt, nhưng thực ra đó là một lối thơ tự do, tức là thơ Cổ Phong. Lối thơ này không cần theo niêm luật hay đối mà chỉ cốt có vần và âm điệu mà thôi.
d. Điều Kiện Để Sáng Tác Thơ Cho Hay
          Thực tế cho ta biết là việc sáng tác thơ cốt ở cảm xúc và nhạc tính. Chứng cớ là những câu ca dao của ta được phát xuất ra từ những người bình dân trong dân gian mà cảm xúc, ý nghĩa, và nhạc tính của những câu ca dao này thật tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu xét về các thi phẩm của những thi nhân nổi tiếng ở Việt Nam trước đây, ở Trung Quốc, và ở các nước Âu Châu, chúng ta sẽ thấy muốn sáng tác thơ cho tuyệt hảo thì cần phải có hai điều kiện: thiên tài và học lực. Hai điều kiện này phải đi đôi với nhau thì việc sáng tác thơ mới đạt tới kết quả mỹ mãn. Lý do chính là nếu không có thiên tài về thơ thì chúng ta không có khả năng tinh tế để mở cửa kho kiến văn và vốn học lực. Có thiên tài về thơ mà không có học lực thì chúng ta không có chất liệu để sử dụng thiên tài về thơ cho đến chỗ tuyệt hảo. Chính vì thế mà tác phẩm Truyện Kiều của Nguyên Du mới trở thành tác phẩm tuyệt trần vô tiền khoáng hậu trong văn học Việt Nam vì Nguyễn Du là nhà thơ vừa có thiên tài về thơ lại vừa có học lực.
III. Phép Làm Thơ Đường Luật
         Thơ Đường luật chia làm hai thể: thơ bát cú (Luật Thi) và thơ tứ tuyệt (tuyệt cú).
1. Bát Cú : Thơ Bát Cú Có Hai Loại:
Thất Ngôn và Ngũ Ngôn
a. Thất Ngôn Bát Cú
           Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú.Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: vần bằng và vần trắc. Tuy nhiên, các nhà thơ thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.
          - Luật Bằng Vần Bằng là bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng và các tiếng ở cuối câu 1,2,4,6 và 8 phải vần với nhau và là vần bằng, chẳng hạn như trong bài họa của Phan Văn Trị đối với bài “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường, câu đầu của bài thơ này bắt đầu bằng hai tiếng bằng: “Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng.” Các chữ cuối của câu 1, 2, 4, 6 và 8 gồm: “tòng, đông, hồng, sông, và chồng” đều là vần bằng và vần với nhau.
Cách sắp đặt tiếng bằng trắc (luật thơ) trong các câu của bài thơ thất ngôn bát cú luật bằng vần bằng như sau:
        Luật Thơ
B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
Thí dụ:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(Bài họa của Phan Văn Trị)
Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
          - Luật Trắc Vần Bằng là bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc và các tiếng ở cuối câu 1, 2, 4 ,6 và 8 phải vần với nhau và phải là vần bằng, chẳng hạn như trong bài xướng “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường, câu đầu của bài thơ này bắt đầu bằng hai tiếng trắc: “Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng.” Các chữ cuối của câu 1, 2, 4, 6 và 8 gồm: “tòng, đông, hồng, sông, và chồng) đều là vần bằng và vần với nhau.
Luật Thơ:
T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)
Thí Dụ:
TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
(Bài xướng của Tôn Thọ Tường)
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
b. Ngũ Ngôn Bát Cú
         Thơ ngũ ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài gồm có 8 câu và mỗi câu có 5 chữ, tức là chỉ có 40 chữ trong một bài thơ thuộc loại này. Thơ ngũ ngôn bát cú cũng theo qui luật về cách gieo vần như thất ngôn bát cú, tức là chỉ có một vần được gọi là độc vận và thường là vần bằng. Cũng giống như thơ thất ngôn bát cú, các vần trong bài ngũ ngôn bát cú được gieo ở cuối câu đầu và cuối các câu chẵn.
           Thơ ngũ ngôn bát cú cũng có luật bằng trắc như thất ngôn bát cú, tức là bài thơ theo luật bằng thì bắt đầu bằng hai tiếng bằng, bài thơ theo luật trắc thì bắt đầu bằng hai tiếng trắc. Cũng giống như thất ngôn bát cú, thường thường các nhà thơ làm thơ ngũ ngôn bát cú theo luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng. Không có mấy ai làm theo vần trắc.
- Luật Bằng Vần Bằng và cách sắp đặt các tiếng bằng trắc:
          Luật Thơ
B - B - T - T - B (vần)
T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T
B - B - T - T - B (vần)
B - B - B - T - T
T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T
B - B - T - T - B (vần)
Thí dụ:
ĐƯỢC TIN BẠN ĐAU
(Khải Chính tặng bạn Trần Quang Túc, 1966)
Nghe tin bác bị đau
Lòng thấy thật buồn rầu
Tri kỷ xa vời quá
Tri âm vắng bóng lâu
Nghe danh tình cách mạng
Kết bạn nghĩa vô cầu.
Chúc bác mau bình phục
Chung vai nguyện có nhau
         - Luật Trắc Vần Bằng và cách sắp đặt các tiếng bằng trắc trong các câu của bài thơ ngũ ngôn bát cú luật trắc vần bằng:
Luật Thơ
T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B (vần)
B - B - B - T - T
T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T
B - B - T - T - B (vần)
B - B - B - T - T
T - T - T - B - B (vần)
Thí dụ:
DÒNG CẢM BIỆT
(Toại Khang tặng Trình Xuyên, Hà Nội, 1990)
Ôi lại người ra đi
Chia tay có hạn kỳ
Gia đình mừng tái hợp
Lan trúc nhớ tương tri
Song hạc mùa tung cánh
Bốn phương ý kịp thì
Cảm tình xanh viễn mộng
Bút tiễn gót vân phi
- Luật Bằng Vần Trắc, Luật Trắc Vần Trắc
           Còn có luật bằng vần trắc và luật trắc vần trắc cho một bài thất ngôn và ngũ ngôn bát cú nữa, tức là bài thơ bắt bầu bằng hai tiếng bằng hay hai tiếng trắc và các tiếng ở cuối câu 1,2,4,6 và 8 phải vần với nhau và là vần trắc. Loại thơ vần trắc này rất hiếm người làm nên không được trình bày ở trong phạm vi bài này.
c. Luật Lệ Chung về Thất Ngôn và Ngũ Ngôn Bát Cú
- Luật Bất Luận và Khổ Độc
* Bất Luận (không kể, tức là không cần phải theo đúng luật)
           Trong lối thơ Đường Luật, người ta áp dụng luật “nhất tam ngũ bất luận” cho thơ thất ngôn, và “nhất tam bất luận” cho thơ ngũ ngôn. Điều này có nghĩa là trong thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba, và thứ năm không cần phải theo đúng luật; trong thơ ngũ ngôn thì chữ thứ nhất và thứ ba không bắt buộc phải theo đúng luật. Chính vì thế mới gọi là “bất luận” (không kể).
* Khổ Độc (khó đọc)
             Tuy là có luật “bất luận,” nhưng nếu tiếng đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong các trường hợp sau thành ra khổ độc, tức là rất khó đọc và khó ngâm. Đó là chữ thứ 3 của các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ trong thơ thất ngôn hay chữ thứ 1 của các câu chẵn và chữ thứ 3 của các câu lẻ trong thơ ngũ ngôn nếu là bằng mà đổi ra trắc thì gọi là khổ độc và không chỉnh. Tuy nhiên, nếu tiếng trắc mà đổi ra bằng thì không sao.
          - Niêm
          “Niêm” có nghĩa là dính, ý nói sự liên hệ về âm luật của hai câu thơ trong một bài Đường luật phải đúng cách. Đó là bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Chữ thứ 2 của mỗi hai câu sau đây phải niêm với nhau, hoặc là cùng bằng hoặc là cùng trắc, bằng niêm với bằng và trắc niêm với trắc: câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7. Điều này có nghĩa là nếu bài thơ thuộc loại bát cú luật trắc vần bằng, chữ thứ nhì của câu 1 là trắc thì chữ thứ nhì của câu 8 cũng phải là trắc; chữ thứ nhì của câu 2 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 3 cũng phải là bằng; chữ thứ nhì của câu 4 là trắc thì chữ thứ nhì của câu 5 cũng phải là trắc; và chữ thứ nhì của câu 6 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 7 cũng phải là bằng. Nếu bài thơ thuộc loại bát cú luật bằng vần bằng, chữ thứ nhì của câu 1 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 8 cũng phải là bằng; chữ thứ nhì của câu 2 là trắc thì chữ thứ nhì của câu 3 cũng phải là trắc; chữ thứ nhì của câu 4 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 5 cũng phải là bằng; và chữ thứ nhì của câu 6 là trắc thì chữ thứ nhì của 7 cũng phải là trắc.
- Bố Cục Bài Thơ Bát Cú
         * Câu số 1 dùng để mở bài (phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
         * Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu thuật (thực) hay trạng.
         * Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận.
*Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.
          - Hai Cặp Câu Thơ Phải Đối Với Nhau Trong Bài Thất Ngôn và Ngũ Ngôn Bát Cú:
Trong bài thơ bát cú (thất ngôn hay ngũ ngôn), câu 3 đối với câu 4, và câu 5 đối với câu 6.
Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc (hai câu thực hay trạng và hai câu luận). Đối là đặt hai câu cân xứng với nhau sao cho ý và chữ đối với nhau. Thí dụ:
“Hai vai tơ tóc bền trời đất”
đối với:
“Một gánh cương thường nặng núi sông”
Hoặc:
“Nghe danh tình cách mạng”
đối với:
“Kết bạn nghĩa vô cầu”
            Xin xem bài về “Thanh, Vận, và Đối” do nhà thơ Cung Vũ đã thuyết trình vào ngày 5-5-2002 để hiểu rõ thêm các chi tiết về thanh, vận, và đối. Nếu ai chưa có bài này, xin liên lạc với nhà thơ Cung Vũ qua số điện thoại (Phone) 905-607-8010 hay số điện thư (Fax) 905-607-8011 (Hoa Kỳ).
          Vì bài thất ngôn bát cú chỉ có 8 câu gồm 56 chữ và bài ngũ ngôn bát cú chỉ có 8 câu gồm 40 chữ, ta không nên dùng trùng chữ hay trùng nghĩa khi đối và khi gieo vần. thí dụ có vẻ đối mà không đối như trong hai vế ”Lòng vẫn nhớ” và “Dạ nào quên”. Đó chỉ là một ý “nhớ” mà thôi, không chỉnh. Khi đối phải nhớ đối cả ý lẫn từ, chẳng hạn như “Phước như Đông Hải” đối với “Thọ tỷ Nam Sơn.”
          Mỗi ý mỗi từ sử dụng trong câu thơ đều phải cân nhắc sao cho có chất lượng và có ý sâu xa. Bài thơ Đường Luật rất khó làm, nhưng khi đã làm được thì ta sẽ cảm thấy thật thích thú vì đó là cả một nghệ thuật và quả là một công trình quí báu.
2. Tứ Tuyệt (Tuyệt Cú)
           Thực ra thơ tứ tuyệt hay tuyệt cú đã xuất hiện trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Mới đầu, thơ tứ tuyệt hay tuyệt cú có nghĩa khác với nghĩa sau này: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Chỉ có 4 câu mà bài thơ diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt hay tuyệt cú. Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường , thơ tứ tuyệt (tuyệt cú) lại phải được làm theo quy tắc về niêm, luật, đối, và vần của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Chính vì thế , sau này người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Điều này có nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Vì vậy niêm, luật, đối, và vần của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt bài bát cú mà thành.
           Cách ngắt những câu trong bài bát cú để làm thành bài tứ tuyệt như sau: ngắt 4 câu đầu, ngắt 4 câu giữa, ngắt 4 câu cuối, ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối, và ngắt 2 câu đầu và 2 câu số năm và số sáu. Vậy ta có 5 cách ngắt bài bát cú để làm thành 5 bài tứ tuyệt, mỗi bài vẫn đủ ý, đúng niêm luật, và đối đúng cách. Tuy nhiên, ta có thể làm ngay một bài tứ tuyệt, thất ngôn hay ngũ ngôn, theo đúng luật thơ của cách ngắt bài tứ tuyệt từ bài bát cú mà không cần phải làm bài bát cú rồi mới ngắt ra. Cách giải thích này cốt cho ta thấy rằng có nhiều cách làm thơ tứ tuyệt. Điều này có nghĩa là khi ta làm một bài tứ tuyệt, ta phải theo niêm, luật, đối, và vần của một trong năm bài tứ tuyệt được ngắt ra từ bài thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú.
         Sau đây là thí dụ về cách ngắt bài thất ngôn bát cú thành ra 5 bài tứ tuyệt và bài nào cũng đủ ý và đúng luật.
Bài thơ NHƯ Ý
(Khải Chính Phạm Kim Thư tặng Lê Mỹ Như Ý, 1994)
          Như ý ai ơi thật tuyệt vời
          Văn Thơ vẹn cả hiếm ai người
          Tình sâu tô điểm công dày đắp
          Nghĩa lớn vun trồng đức rạng soi
          Tài trí danh vang nơi đất khách
          Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời
          Bảy năm góp mặt “Người Yêu Dấu”
          “Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” kiếp đổi đời
          Bài trên được ngắt thành 5 bài tứ tuyệt theo năm cách sau: 4 câu đầu, 4 câu cuối, 4 câu giữa, 2 câu đầu và 2 câu cuối, 2 câu đầu và 2 câu năm sáu:
1.
Như Ý ai ơi thật tuyệt vời
Văn thơ vẹn cả hiếm ai người
Tình sâu tô điểm công dày đắp
Nghĩa lớn vun trồng đức rạng soi
2.
Tài trí danh vang nơi đất khách
Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời
Bảy năm góp mặt “Người Yêu Dấu”
“Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” kiếp đổi đời
3.
Tình sâu tô điểm công dày đắp
Nghĩa lớn vun trồng đức rạng soi
Tài trí danh vang nơi đất khách
Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời
4.
Như ý ai ơi thật tuyệt vời
Văn thơ vẹn cả hiếm ai người
Bảy năm góp mặt “Người Yếu Dấu”
“Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” kiếp đổi đời
5.
Như ý ai ơi thật tuyệt vời
Văn thơ vẹn cả hiếm ai người
Tài trí danh vang nơi đất khách
Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời
          - Bài thất ngôn tứ tuyệt có thể được làm riêng rẽ, không cần ngắt ra từ bài bát cú. Lý Thường Kiệt làm bài thơ tứ tuyệt sau đây khi ông đem quân chống quân nhà Tống (1076). Sở dĩ ông làm ra bài thơ này là vì quân nhà Tống đánh trận hăng lắm, ông đã đem hết sức chống giặc nhưng vẫn sợ quân mình ngã lòng nên mới đặt ra câu chuyện nói rằng có thần ban cho 4 câu thơ để củng cố lòng hăng say đánh giặc của quân lính. Bài này được làm theo cách ngắt của 4 câu đầu của bài bát cú: luật trắc vần bằng, 3 vần, hai câu cuối đối nhau:
Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Nghĩa của bài này được tóm lược như sau:
"Núi sông nước Nam thì vua nước Nam ở
Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ của trời
Làm sao bọn giặc lại xâm phạm đất của ta được
Lũ chúng mày rồi sẽ bị thua bại hết"
- Bài ngũ ngôn bát cú “Được Tin Bạn Đau”
(đã trích dẫn ở trên) được ngắt thành 5 bài tứ tuyệt như sau:
1.
Nghe tin bác bị đau
Lòng thay thật buồn rầu
Tri kỷ xa vời quá
Tri âm vắng bóng lâu
2.
Tri kỷ xa vời quá
Tri âm vắng bóng lâu
Nghe danh tình cách mạng
Kết bạn nghĩa vô cầu
3.
Nghe danh tình cách mạng
Kết bạn nghĩa vô cầu
Chúc bác mau bình phục
Chung vai nguyện có nhau
4.
Nghe tin bác bị đau
Lòng thấy thật buồn rầu
Chúc bác mau bình phục
Chung vai nguyện có nhau
5.
Nghe tin bác bị đau
Lòng thấy thật buồn rầu
Nghe danh tình cách mạng
Kết bạn nghĩa vô cầu
        - Bài ngũ ngôn tứ tuyệt có thể được làm riêng rẽ, không ngắt ra từ bài ngũ ngôn bát cú. Khi đem quân vào thành Thăng Long để mở tiệc khao quân sau khi đánh cho Thoát Hoan (giặc nhà Nguyên) phải bỏ chạy (1284). Trần Quang Khải đã làm bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sau đây. Bài thơ này được làm theo luật trắc, vần bằng, thuộc khuôn khổ 4 câu sau của bài ngũ ngôn bát cú, 2 vần, hai câu đầu đối nhau.
Nguyên Tác của Trần Quang Khải:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
Trần Trọng Kim đã diễn Nôm:
Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu
           Cụ Trần Trọng Kim đã diễn nôm bài trên theo lối thơ cổ phong, không theo niêm luật của bài ngũ ngôn tứ tuyệt. Chính vì thế mà cụ chỉ nói là “diễn nôm” mà thôi. Thơ Đường Luật khó khăn là thế. Phải là tay lão luyện lắm mới có thể diễn tả ý của mình theo thơ Đường Luật được. Chính vì thế mà đa số các thi nhân sau này họ làm thơ thất ngôn hay ngũ ngôn nhưng lại làm theo thể Thơ Cổ Phong chứ không phải là Thơ Đường Luật.
IV. Thơ Cổ Phong
          Như đã đề cập ở phần mở bài, thơ cổ phong (cổ thể) là thể thơ tương đối tự do, không cần niêm luật, gồm những câu thơ 7 chữ hay 5 chữ (thất ngôn cổ phong hay ngũ ngôn cổ phong). Thơ cổ phong xuất hiện vào đời Đông Hán (25-220), trước đời nhà Đường. Sau đây là những đặc điểm của thơ cổ phong:
          - Số chữ trong mỗi câu phải là 7 chữ hay 5 chữ (ngũ ngôn hay thất ngôn).
          - Không có niêm luật và đối chặt chẽ như thơ Đường.
        - Không hạn chế số câu, thường là từ 4 câu trở lên, muốn dài ngắn bao nhiêu cũng được.
         - Người ta thường làm Thơ Cổ Phong với số câu là 4 câu, 6 câu, 8 câu, hay 12 câu.
         - Những bài thất ngôn dài quá 8 câu được gọi là bài thất ngôn trường thiên và ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là ngũ ngôn trường thiên.
          - Tuy không cần niêm luật (bằng trắc), nhưng vẫn cần âm hưởng và tiết tấu. Cách gieo vần trong thơ cổ phong có thể độc vận hay liên vận. Có thể cứ 4 câu lại đổi vần hay cứ 8 câu đổi vần, hoặc mỗi 2 câu đổi vần một lần cũng được.
          - Cách đối thì tùy, muốn đối thì đối, muốn không thì không. Nếu đã đối thì phải đối cho chỉnh. Ý đối ý và chữ đối chữ cho đúng cách.
          Ta có thể định nghĩa Thơ Cổ Phong là lối thơ tự do làm theo 7 chữ hoặc 5 chữ. Thơ bát cú hay tứ tuyệt có thể là Đướng Luật hay Cổ Phong là tùy theo bài thơ đó có đúng niêm luật và đối hay không. Tuy nhiên, theo thói thường thì khi đọc một bài thơ bát cú hay tứ tuyệt, ngũ ngôn hay thất ngôn, người ta có thành kiến cho đó là thơ Đường Luật. Vì thế, nếu làm thơ theo lối Cổ Phong, ta nên đề ở đầu trang là Thơ Cổ Phong. Một cách khác nữa để tránh hiểu lầm, ta nên phân bài cổ phong có 8 câu (ngũ ngôn hay thất ngôn) ra làm hai đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Sau đây là các bài cổ phong làm mẫu:
Ngũ Ngôn Bát Cú Cổ Phong
KHEN TRẦN BÌNH TRỌNG
Giỏi thay Trần Bình Trọng
Dòng dõi Lê Đại Hành
Đánh giặc dư tài mạnh
Thờ vua một tiết trung
Bắc vương sống mà nhục
Nam quỉ thác cũng vinh
Cứng cỏi lòng trung nghĩa
Ngàn thu tỏ đại danh
                   (Phan Kế Bính)
Thất Ngôn Tứ Tuyệt Cổ Phong
Bài xướng của Hạng Võ
Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất lợi hề truy bất thệ
Truy bất thệ hề khả nại hà
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà
Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt Cổ Phong
Bài họa của Ngu Cơ
Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Đại vương ý chí tận
Tiện thiếp hà liêu sinh
Thất Ngôn Trường Thiên Cổ Phong
           TẾT THA HƯƠNG
Hôm nay lạnh quá trời buông tuyết
Ngồi ngắm không gian tính tháng ngày
Chợt nhớ ra rằng năm đã hết
Xứ người tết đến biết sao đây
Tìm đâu cho được cành mai ấy
Chồng bánh chưng xanh pháo đỏ hiên
Đâu cảnh khói hương bay nghi ngút
Cả nhà sum họp lễ gia tiên
Nước non xa cách bao giờ hợp
Những tết qua rồi tết khổ đau
Giặc giã đua nhau gây đổ nát
Quê hương tan tác bởi vì đâu
Quê nhà tết đến dân đau khổ
Đất khách xuân về dạ vấn vương
Ở đây ai đón xuân cùng tết
Tết đến trong lòng xuân nhớ thương
Xa quê sống giữa người xa lạ
Lạ cảnh lạ người lạ thói quen
Muốn ngỏ tâm tư ai hiểu được
Cười cười nói nói để mà quên
            (Khải Chính Phạm Kim Thư)
Thất Ngôn Bát Cú Cổ Phong
DẾ DUỔI BÊN ĐÈN
Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi
Trời sinh dế duổi cũng choi choi
Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
Co tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa sa nước chảy lên cao ở
Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi
Quân tử có thương xin chớ phụ
Lăm lăm bay nhảy để mà coi
                               Tú Quì
Ngũ Ngôn Trường Thiên Cổ Phong
ÔNG ĐỒ GIÀ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
                  (Vũ Đình Liên)
V. Kết Luận
         Các bạn yêu thơ hãy cứ làm thơ một cách tự nhiên trước, miễn sao diễn tả được ý của mình và có âm điệu là được. Có Đường Luật thì cũng có Cổ Phong, có lục bát thì cũng có biến thể lục bát. Rồi dần dần quen đi, ta sẽ làm thơ một cách dễ dàng, xuất khẩu thành thơ, và tự nhiên thành luật. Đừng vì niêm luật hay đối quá mà làm bài thơ gượng gạo mất hồn thơ của các bạn đi. Muốn làm thơ một cách tự nhiên và cảm động được lòng người, ta cần phải có tâm hồn thơ và yêu thơ. Kế tiếp ta phải tìm đọc những tác phẩm trứ danh trong văn chương như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hồ Dzếnh, thơ Xuân Diệu, thơ TTKH, thơ Nguyễn Bính, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Bàng Bá Lân, thơ Chu Mạnh Trinh, thơ Tản Đà, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Thế Lữ, và ca dao, v.v. Không những đọc mà ta còn phải học thuộc lòng để đưa vào tiềm thức những cung điệu, những tứ thơ kỳ diệu, và những chất liệu giúp ta làm thơ một cách tự nhiên hơn. Khi có hồn thơ lai láng, hãy cứ viết ra cho hết ý, rồi đọc lại để kiểm soát niêm luật sau. Cứ như thế ta sẽ đi vào thơ một cách tự nhiên.
--------------
Tài Liệu Tham Khảo
1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, ấn bản lần thứ mười, 1968.
2. Trình Xuyên Nguyễn Ngô Riễn, Hoa Bút Trình Xuyên (Tuyển tập 2 1981-1990), Papyrus, San José, CA, USA, 1994
3. Trần Trọng Kim,Việt Nam Sử Lược, Quyển I,Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, Saigon , 1971.
4. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà Vận Văn, Tập II, Sống Mới tái bản.
5. Trần Trọng San, Thi Pháp Thơ Chữ Hán, Bắc Đẩu, Scarborough, Ont.
Canada , 1998.
6. http://trangkhuyet.blogspot.com/
Địa vị ư ? - Sẽ mất
Tiền tài ư ? - Sẽ hết
Hoa đẹp ư ? - Sẽ tàn
Chỉ có lòng người sống mãi với thời gian.
Kính chúc các thi hữu có nhiều bài thơ hay                                                             Nguyễn Văn Xuân

Bài tham khảo:
            THƠ LỤC BÁT  
MỘT CÕI TRỜI MÊNH MÔNG
                                                              Bùi Công Thuấn
             Báo điện tử Tổ Quốc vưà mở ra  cuộc bình chọn 99 bài thơ Lục Bát hay cuả thế kỷ XX . Theo nhà thơ Nguyễn Duy , đây là bước  tôn vinh các giá trị văn học nghệ thuật, mà việc tôn vinh giá trị thơ Lục Bát  là bước đầu tiên . Đó là một việc làm  đáng khuyến khích trong thời điểm trì trệ cuả thơ ca Việt hiện nay . Vì trong thế giới thi ca tiếng Việt , Lục Bát là một cõi trời mênh mông mà không hẳn nhà thơ nào cũng có thể vươn tới .Tôi viết những dòng này bằng cảm nhận chủ quan cuả một người đọc yêu quý thơ ca dân tộc mình …
1. Lời vui , mạo muội xin thưa …
          Đối với người Việt Nam ,  làm  những câu vần Lục Bát , dễ như  thở không khí. Chẳng hạn :
          “ Hôm nay mùng tám tháng ba / chị em phụ nữ đi ra đi vào ..” Trong những dịp vui cộng đồng , những dịp họp mặt  , ta thường gặp  “ nhà thơ dân gian “  ứng khẩu ngay một bài Lục Bát rồi đọc to lên , mọi người tán thưởng , vỗ tay rôm rốp. Có người còn vận Lục Bát vào những câu hò như “a li hò lờ “  sôi nổi , ấn tượng . Không khí cuộc vui trở nên hấp dẫn hơn cả đại hội nhạc Rock
           Vậy mà khi đi tìm những bài Lục Bát hay , tôi phát hiện ra  nhiều nhà thơ , kể cả những nhà thơ nổi tiếng , đã không thể để đời được  bài Lục Bát hay nào trong sự nghiệp  thơ cuả mình. Họ có thử bút , nhưng chỉ làm được những bài “ thường thường bậc trung “  ,  chẳng để lại ấn tượng gì , có khi còn thua ca dao bình dân
           Bây giờ nếu  Hội Nhà Văn tổ chức một cuộc kiểm tra năng lực thơ cuả hội viên bằng cách mở một cuộc thi Lục Bát , Hội ra đề  , mỗi hội viên thơ làm một bài Lục Bát  khoảng 100 câu , tôi dám chắc rất nhiều người phải trả lại thẻ hội viên ( ! )  Không tin , Hội cứ mở một cuộc tỷ thí , giưã thanh thiên bạch nhật , giưã sân đình làng Văn , có thần dân cả nước và quốc tế chứng kiến  , chắc là cuộc tỷ thí ấy sẽ vang động khắp năm châu , và người  đoạt giải , xứng đáng được khắc bia đặt trong Văn Miếu .
           Xin lỗi các nhà thơ , kẻ viết bài này chỉ nói vui thôi , không dám hoài nghi gì về tài năng thơ và sự đóng góp văn chương cuả các vị đâu . Bởi vì chỉ cần làm được một bài thơ hay , không cứ gì Lục Bát , nhà thơ Việt nam  đã có đóng góp cho sự nghiệp văn chương cuả  dân tộc rồi . Chuà Hương cuả Nguyễn Nhược Pháp , Ông Đồ cuả Vũ Đình Liên , Cuộc Chia Ly Màu Đỏ cuả Nguyễn Mỹ  là những thí dụ ..
 2.Lục Bát thương kẻ tài hoa …
           Đọc ca dao , đọc truyện Kiều ( Đoạn Trường Tân Thanh ) , đọc những bài ca vè , và thơ  Lục bát cuả những bậc tài danh , ta nhận  ra những khả năng đặc biệt cuả thể thơ này . Lục Bát có thể miêu tả mọi cảnh ngộ , mọi sinh hoạt , mọi diễn biến đời sống  bằng những lời gần gũi tâm sự , những lời thiết tha cồn cào tâm can hay những tiếng sắt tiếng vàng binh đao Hán –Sở chiến trường . Lục Bát có thể nói những điều sâu kín trong tâm hồn bằng ngôn ngữ tinh tế , trang trọng cảm động , ngôn ngữ châu ngọc lấp lánh , ngôn ngữ làm thơm tho cả không gian .Lục Bát cũng có thể nói bông đuà mọi chuyện trên đời bằng những lời Nôm na  , những lời quàng xiên , những lời thô tục , những lời bốc mùi không ngửi được 
            Sau khi thất thân với Mã Giám Sinh , Kiều bị Tú Bà  xỉ mắng  thậm tệ . Ngôn ngữ Lục Bát  cuả Nguyễn Du đọc nghe nổi da gà.                                  
“ Cớ sao chịu trót một bề
Gái tơ mà đã ngưá nghề sớm sao “    
          Nguyễn Du tóm tắt cả truyện Kiều chỉ trong một câu mở và một câu kết truyện Kiều với ý nghiã tư tưởng sâu xa    
Trăm năm trong cõi người ta…
…Mua vui cũng được một và trống canh “
          Bùi Giáng đuà nghịch với ngôn từ . Ông chắp những từ nối ( loại hư từ ) thường dùng trong văn chính luận để  dựng nên một đoạn Lục Bát giàu ý nghiã tư tưởng
Nếu và nhưng vẫn ắt rằng
Tuy nhiên thế nọ thường hằng thế kia
Và nhưng tuy dẫu là chia
Lìa cha biệt mẹ bốc tia sinh tồn
(Tuy nhiên)
        Ca dao có nhiều cách diễn tả chân chất nhưng  thú vị bất ngờ
Một tâm trạng yêu :
Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này
( ca dao )
Một nỗi buồn thương man mác
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
( ca dao )
Một tình cảnh vất vả , khó xử cuả người phụ nữ nông dân , lúc dậy sớm chuẩn bị cho một ngày lao động
Đang khi cơm lưả đang nồng
Lợn kêu , con khóc , chồng đòi tòm tem
Bây giờ cơm chín , lợn im
Con thôi đòi bú , tòm tem thì tòm
( ca dao )
 Và một cuộc rượt đuổi không sao với tới được giưã chàng và nàng trong tình yêu
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó chạy rông trên bờ       
( ca dao )
 Nhân gian  từng truyền tụng những câu thơ hiện đại rất thú vị cuả  Bút Tre như thế này ( Tôi không rõ có đúng nguyên văn , hay dân gian có chế biến đi chăng )
Anh đi chiến dịch  Pờ - Lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Hoặc
Chị em phụ nữ đánh cầu
Lông bay phần phật trên đầu các cu
           Tác giả đã  sử dụng kỹ thuật chơi chữ  tài hoa trong việc tách âm và ngắt dòng chữ Pờ lây cu ( tỉnh Pleiku ) và môn thể thao vũ cầu ( cầu lông ) , cùng với kỹ thuật làm méo chữ . Chữ các cụ thành các cu , do vần gieo Lục Bát phải là vần bằng . Bút Tre lợi dụng ngay cái hiểm hóc cuả Lục Bát để tạo ra tiếng cười . Dù sự việc được miêu tả là những việc nghiêm trang .
            Lục Bát thật dễ làm , nhưng làm được một bài Lục Bát hay thật không đơn giản . Đọc thơ Lục Bát , ta dễ gặp cảm giác này : câu chữ trau chuốt , vần gieo rất chỉnh , âm điệu du dương , nhưng bài thơ cứ trôi tuột đi , ta cố tìm lấy chút gì để nhớ , nhưng đành phụ lòng tác giả mà ngậm ngùi lắc đầu . Có khi ta thấy người viết vất vả quá sức trong từng con chữ ,  như đánh vật với bằng – trắc , với  vần gieo ; bị dẫn vào chỗ sơn cùng thuỷ tận để tìm từ ; luẩn quẩn mãi không sao làm mới được vần điệu . Câu chữ trúc trắc  , gò bó , gượng gạo đến  khổ sở  . Làm dăm bảy câu Lục bát còn dễ , làm đến vài chục câu đã khó, nhưng để viết được vài trăm câu hay vài ngàn câu Lục bát ( Truyện Kiều 3.254 câu ; Thiên Nam Ngữ Lục 8.136 câu ) thật khó mà tưởng tượng được sự vất vả cuả nhà thơ lớn như thế nào . Người phải vắt kiệt sức lực ,vỡ oà  tim óc , dốc hết vốn liếng , cày cuốc rũ người trên cánh đồng chữ nghiã  , lục mót từ ngữ , nghiêng ngưả  vần gieo , biến tấu nhạc điệu , phối khí bút pháp , gia giảm khẩu vị , lại phải hoá thân bay lên cõi mênh mông cuả tình ý nhân gian và cõi vô cùng cuả tâm linh  ngời ngời ánh sáng ( Nguyễn Du từng được coi là người có con mắt nhìn sáu cõi thế gian , tấm lòng thấu suốt nghìn đời ) .  Chưa một thể thơ nào đòi hỏi quyết liệt tài năng , sức lực và tâm huyết nhà thơ đến thế . Không có tài  không thể làm được Lục Bát hay .
          Lục Bát là thể thơ cuả những nhà thơ tài hoa , những nhà thơ sống mãi với dân tộc
         Cái hay cuả Lục Bát là ở tình ý , lời , kiểu tư duy  và ở chính sự tài hoa cuả cá tính sáng tạo . Đành rằng  , ở thể loại nào , thơ cũng đòi những yếu tố âý , song ở Lục Bát thì tình ý phaỉ đi liền với nhau và sự tài hoa là yếu tố quyết định làm nên đặc sắc Lục Bát . Lục bát cuả Nguyễn Bính hội tụ được những yếu tố ấy . Ngày nay ,  Lỡ Bước Sang Ngang , Cô Hàng Xóm ..vẫn làm rung cảm mạnh mẽ tâm hồn người đọc . Thú thực,  mỗi lần đọc Lỡ Bước Sang Ngang tôi không sao cầm lòng được .Tâm hồn mình cứ rưng rưng . Sự xúc động  như tự thâm sâu cuả hồn quê , cuả hồn người , cuả bản thể Việt  . Sự xúc động có chiều sâu nhân văn , chiều sâu văn hoá , và cả chiều sâu tâm thức Việt. Bài thơ Đan Áo Cho Chồng cuả T.T.Kh cũng có cái tình như thế nhưng không có được sự tài hoa .Bài Gửi T.T.Kh cuả Thâm Tâm chỉ có ý , rất ít tình và nghèo nàn sự tài hoa. Nói đến tình ý và tài hoa, thì Nguyễn Bính đã để lại những dấu ấn không thể nhoà trong thơ . Ông mở ra một con đường Lục bát Nguyễn Bính cho nhiều người đi sau
           Lục Bát đương đại ,  ý có thể sâu , nhưng tình thì rất nhạt và thật hiếm có  phong cách tài hoa. Những bài như : Tâm Sự Nàng Thuý Vân cuả Trương Nam Hương, Nỗi Niềm Thị Nở cuả Quang Huy và Lời Ru Con Cuả Người Yêu Cũ cuả Phạm Ngà , có những nét mới mẻ sáng tạo , tình ý khá hay , nhưng vẫn có chỗ ngượng nghịu thô vụng.
  TÂM SỰ NÀNG THUÝ VÂN
 Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim
                                    
Ơ kià sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên
 
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu
 
Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường
 
Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm  mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lưà trái tim
                                               
Em thành vợ cuả chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi , em  đợi   kiếp   nào   để   yêu ?
                   ( Trương Nam Hương )
 NỖI NIỀM THỊ NỞ
 Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi , nào dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình
Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền
Anh không nhà cưả bạc tiền
Không ưa luồn cúi không yên phận nghèo
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao
Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn viá nao nao đêm ngày
Khen cho con tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ xao!
Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đẫm quá , trăng sao lại nhoà
Người ta … mặc kệ người ta
Chỉ em tất thật đàn bà với anh
Thôi rồi , đất lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm
                           ( Quang Huy )                              
LỜI RU CON CUẢ NGƯỜI YÊU  CŨ
 Dừng chân bất chợt , lắng nghe
Tiếng   ru   mới   mẻ   gọi   về   xa   xôi
Điệu ru quen thuộc bao đời
Mà  xao  xuyến , mà  bồi  hồi  tiếng  ru
Một thời thân thiết dạo xưa
Người con gái ấy bây giờ ru đây
Tròng trành tiếng gió tiếng mây
Nưả  ru  bé  ngủ  nưả  lay  gọi  lòng
 
Con thuyền nói với dòng sông
Cánh cò nói với mênh mông nắng chiều
Thời gian nói với tình yêu
Buồn vui lại nói những điều buồn vui
Xin đừng ai nưã như tôi
Chuyện không đâu để buì ngùi tháng năm
                                               
Hẳn như cách trở xa xăm
Thì  tôi  ru  khẽ  ru  thầm  cùng  em
Ngủ yên cho bé ngủ yên
Và người cha ấy vững bên chiến hào
Qua bao sông rộng núi cao
Tiếng ru dẫu ở nơi nào cũng thương
 
Chẳng làm con nhện tơ vương
Bao con đường vẫn một đường quanh nôi
Lời ru như lưả bừng soi
Bên nhau ấm những cuộc đời chia xa
Để lòng mãi mãi thiết tha
Để cho ai đó vượt qua chính mình
                               ( Phạm Ngà )
            Vô tình,  tôi nhặt được ba bài Lục Bát cùng thể hiện những nỗi niềm , những tâm sự , những số phận phụ nữ . Trương Nam Hương làm người đọc giật mình ( chữ cuả Nguyễn Du ) , vì bấy lâu nay ta đã bỏ quên mất Thuý Vân . Nguyễn Du đã quá chú ý đến Kiều mà hy sinh Thuý Vân, chẳng lẽ người đọc lại vô tình với nàng ? Nguyễn Du miêu tả Thuý Vân là người phúc hậu , nàng được hưởng trọn vẹn hạnh phúc , suốt đời vô tư . Người đọc cũng lầm tưởng như thế. Trái lại , Trương Nam Hương hé mở  số phận bi đát cuả Thuý Vân và lên tiếng nói cho nàng . Tiếng kêu thương ấy dường như vang mãi trong vô vọng ! .  Thị Nở cũng là một số phận như vậy. Một con người dở hơi . Dở hơi  là vô tư ,là  không biết nghĩ , không biết buồn và không có nhu cầu sống hạnh phúc? Nhưng Thị là một con người , hơn nưã là một  phụ nữ , Thị có quyền sống và khát khao hạnh phúc như mọi người. Tiếc thay ,Thị đã bị vùi dập chẳng khác gì Chí Phèo. Quang Huy đã viết được những câu rất hay về Thị , tiếp sức với Nam Cao , trả lại cho Thị chút phận người. Ở bài Lời Ru Con Cuả Người yêu Cũ  , Phạm Ngà vẽ nên những hình ảnh đẹp mơ hồ về người phụ nữ , về người chồng chiến đấu , về tương lai con trẻ và cái tình riêng cuả nhân vật trữ tình .Những tưởng ngòi bút Phạm Ngà sẽ đưa người đọc đi mãi vào thế giới lãng mạn cuả tâm hồn , ở đó ,  mọi giá trị cuộc sống bị vượt qua chỉ còn lại cuộc tình cuả “ cái tôi “ . Nhưng kết thúc bài thơ là một câu thật bất ngờ , tuyệt hay về tình ý , sáng lên tiếng nói lương tri . Đó là cái đẹp cần phải có . Câu thơ có sức làm bừng tỉnh người đọc,  về cái tôi và  cuộc sống xung quanh . Xung quanh ta có bao nhiêu người sống đẹp , ta không thể ích kỷ nhỏ nhoi…
            Để lòng mãi mãi thiết tha
            Để cho ai đó vượt qua chính mình                  
 3. Lục Bát thế kỷ XX có gì mới ?
            Đoạn Trường Tân Thanh ( truyện Kiều ) là đỉnh thi sơn ,  là ngôi đền thiêng Lục Bát Việt Nam đầu thế kỷ 19 . Thế giới ấy , ngôi đền ấy là nghệ thuật , là tâm thức và là tiếng nói Việt  . Nguyễn Du với Lục Bát trở thành biểu tượng thành tựu nghệ thuật cuả dân tộc Việt , trở thành niềm tự hào cuả một dân tộc giàu lòng nhân ái , vượt lên mọi thăng trầm cuả lịch sử bằng vẻ đẹp nhân văn sáng trong như ngọc quý.
           Thế kỷ XX là thế kỷ cuả bao nhiêu trào lưu phương Tây tràn vào Việt Nam mà nhiều
nhà thơ Việt Nam đánh mất mình trong đấy. Bùi Giáng khẳng định  : “Chúng ta quen thói ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ “ ( Thi Ca Tư tưởng ) .
          May thay , Lục Bát Việt Nam vẫn là một cõi trời mênh mông mà những nhà thơ tài hoa
Việt Nam tiếp tục toả sáng  những sắc màu rực rỡ , mới mẻ , truyền thống và hiện đại .
          Đầu thế kỷ XX phải kể đến Tản Đà . Ông có những bài Phong Dao thật đặc sắc . Những bài ấy dùng tình ý và ngôn ngữ ca dao để nói những cảm thức mới . Ngòi bút Tản Đà nhuần nhuyễn và tinh tế , lãng mạn và tài hoa đáng kinh ngạc . Tản Đà đã mở ra cách  sử dụng chất liệu ca dao để làm thơ Lục Bát mà sau này nhiều nhà thơ kế tục.                                        
             Con cò lặn lội bờ ao
            Phất phơ đôi giải yếm đào gió bay
            Em về giục mẹ cùng thầy
            Cắm sào đợi nước biết ngày nào trong ?
            Con cò lặn lội bờ sông
            Ngày xanh mòn mỏi , mà hồng phôi pha
            Em về giục mẹ cùng cha
            Chợ trưa, dưa héo  nghĩ mà buồn tênh
                        ( Tuyển tập Tản Đà , nxb Văn Học 1986  )
           Thề Non Nước là một thành công khác về Lục Bát cuả Tản Đà . Bài thơ vưà có khí vị cổ điển vưà mở ra chân trời lãng mạn cho thi ca giai đọan sau .
           Thơ Lục Bát cuả những nhà thơ Lãng Mạn ( 19301945 ) mới mẻ ở “ cái tôi “ cuả nhà thơ Tiểu Tư Sản. Ngôn ngữ thơ trau chuốt , đạt đến sự tinh tế hiếm có trong nghệ thuật diễn tả những rung cảm lãng mạn cuả tâm hồn ( Ngậm Ngùi – Huy Cận ..) . Lục Bát Lãng Mạn có chất giọng riêng . Cho đến nay Lục Bát Lãng Mạn vẫn giữ nguyên cái hay mặc dù  đã qua trên nưả thế kỷ . Ta có thể nhặt ra nhiều hạt châu ngọc như Ngậm Ngùi ( Huy Cận ) , Thơ Sầu Rụng ( Lưu Trọng Lư ) ; Luỹ Tre Xanh , Rằm Tháng Giêng ( Hồ Dzếnh ) , Huế Đa Tình ( Bích Khê ) , Bến Hàn Giang ( Hàn Mặc Tử ),  Đan Áo Cho Chồng ( T.T.Kh ) , Gửi T.T.Kh ( Thâm Tâm ) ...Trong bầu trời Lục Bát Lãng Mạn, Nguyễn Bính là một nhà thơ  rất mực tài hoa. Chân Quê , Lỡ Bước Sang Ngang , Tương Tư , Người Hàng Xóm … làm xúc động bao nhiêu tâm hồn người đọc . 
           Giai đọạn kháng chiến chống Pháp . Lục Bát phát triển theo một hướng khác . Văn hoá văn nghệ phục vụ công nông binh . Lục Bát gần với Vè kể chuyện , rất ít chất thơ .  Chẳng hạn  , Kể Chuyện Vũ Lăng  ( Anh Thơ ) ; Tình Tháp Mười ( Bảo Định Giang ) .. .Thời này , đa số các nhà thơ làm thơ tự do , rồi chen vào câu Lục bát . Bài Ca Vỡ Đất , Bao Giờ Trở Lại ( Hoàng Trung Thông ) ; Bầm Ơi ; Sáng Tháng Năm ( Tố Hữu ) .
           Lục Bát cuả Tố Hữu giai đoạn này ( tập thơ Việt Bắc ) và cả giai đoạn sau ( tập Gió Lộng ; Ra Trận ; Máu và Hoa , Nước Non Ngàn Dặm ) có nét chung này : Tố Hữu sử dụng  ngôn ngữ biểu cảm cuả ca dao , ông đưa vào thơ hình ảnh quần chúng  , nói cái giọng quần chúng , nói cái tình kháng chiến , tình công dân . Cái tôi chuyển hoá thành cái ta ,  thơ ông hướng về quần chúng mà kêu gọi , động viên , chia xẻ . Trong thơ , Tố Hữu hay gọi  “ ơi “ . Lối viết này rất nhiều nhà thơ đi sau ông bắt chước , thậm chí ảnh hưởng đến tư duy cuả cả giai đoạn  thơ kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc .
Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi , lâm thâm mưa phùn
                                  ( Tố Hữu-Bầm Ơi )
Cháu ơi cháu lớn với bà
Bố mày đi đánh giặc xa chưa về
                              ( Tố Hữu - Cá Nước )
Sáng hè đẹp lắm em ơi
Đầu non cỏ lục mặt trời vưà lên …
                                            …Nỗi niềm chi rưá Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thưà Thiên
                  ( Tố Hữu - Nước Non Ngàn Dặm )
 Thành phố ơi ! cám ơn nhjiều
Cho tôi hiểu suốt hai chiều tâm tư
           ( Hoài Anh –Bài Thơ Tình Thành Phố )
 Tôi về xứ Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
                                ( Nguyễn Duy – Nhớ Bạn )
 Anh là thực đấy anh ơi
Trong em sáng một mặt trời thương yêu
               ( Phan Thị Thanh Nhàn – Không Đề )
 Xoá nhoà ảo tích , em ơi
Chỉ còn đọng lại mảnh trời lá xanh
                          ( Bửu Khánh Hồ - Lá Nõn )
Trích: Bùi Công Thuấn - (CHÚT TÌNH TRI ÂM - Lý luận & Phê bình văn chương)

THƠ TỰ DO
                                                                   Nguyễn Phương
         Thơ tự do có nhiều thể loại, như thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, thơ 6 chữ, thơ 7 chữ, thơ 8 chữ v.v...
        Vì là thể "tự do" cho nên mặc dù cũng có bảng luật cho mỗi loại thơ kể trên nhưng người làm thơ đôi khi cũng không theo sát cho lắm, vì vậy mới gọi là "tự do", nghĩa là không gò bó theo luật lệ một cách nghiêm khắc.
        Cũng bởi thơ theo luật có vẻ khắt khe làm cho người ta cảm thấy bị gò bó, khó diễn tả hết ý cho nên muốn thoát khỏi sự ràng buộc đó mà mới nghĩ ra phải có sự "tự do" hơn, từ đó thơ tự do được ra đời.
        Nhưng thật ra các thể thơ gọi là "tự do" đã có từ xưa trước khi có thơ luật (luật thi), đã thịnh hành vào thời nhà Hán bên Tàu mà các thi gia gọi là Hán Thi để phân biệt với Đường Thi.
         Từ khi có Luật Thi (thơ luật) vào đời nhà Đường bên Tàu (gọi là Đường Luật) thì các thể loại thuộc vào Hán Thi được gọi là Cổ Thi hay Thơ Cổ Phong tức là thơ làm theo phong cách xưa.
         Thơ Cổ Phong chính là Thơ Tự Do đời sau nầy ở Việt Nam (thời xưa không có cái khái niệm về tự do nên không có thuật ngữ tự do dành cho thơ). Cho nên người ta muốn phá bỏ cái luật lệ cái khuôn khổ của Thi Luật (thơ làm theo luật) để nghĩ rằng làm ra cái mới hơn cái tốt hơn (hay nói cách khác là làm một cuộc "cách mạng" về thơ), nhưng té ra lại đi ngược trở về cái cũ đã có rồi mà vì có những khuyết điểm nên người xưa mới bỏ đi và xếp vào loại thơ cổ hay cổ thi. Tưởng đâu phá bỏ để làm cái mới hơn nhưng lại đi lùi về cái cũ xưa chẳng mới lạ gì.
        Tóm lại, Thơ Tự Do cũng chỉ là một hình thức làm sống lại Thơ Cổ Phong mà đã thịnh hành vào đời nhà Hán bên Tàu.
Ghi chú: Cổ phong tức Cổ thể hay cổ thi là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước đời nhà Đường. Về sau trở thành tên gọi chung tất cả thơ ngũ ngôn, thất ngôn... mà không theo luật, gồm ngũ ngôn cổ thi, thất ngôn cổ thi, tam ngôn thi, tứ ngôn thi, lục ngôn thi... không theo niêm luật như thơ Đường luật.
Thơ cổ phong khác với thơ luật ở chỗ thơ chỉ cần vần chứ không cần phải theo luật bằng, trắc.Tuy không theo luật bằng trắc nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc.
So với thơ luật, thơ cổ phong phóng túng hơn, ít bị trói buộc trong niêm luật. Vả lại, thể cổ phong vốn cũng đã có từ các thời Hán, Tùy, trước, nên về sau lối thơ luật thịnh hành hơn cả.
Thơ tự do ngày nay chính là thơ cổ phong ngày xưa như đã dẫn giải trên.
 Thơ Bảy Chữ
        Thơ tự do bảy chữ vì nhái theo thơ thất ngôn tứ tuyệt (Đường luật) nên khi đọc lên nghe na ná như thơ thất ngôn tứ tuyệt, bởi vậy có nhiều người vẫn nhầm lẫn vì không nắm vững các luật thơ.
        Luật thơ của thơ tự do bảy chữ còn rắc rối hơn luật thơ thất ngôn tứ tuyệt nhiều (vì có nhiều bảng luật hơn).
        Sau đây HTL sẽ cùng các bạn nghiên cứu trước các bảng luật thơ tự do bảy chữ thường gặp nhất.
1. Liên vận:
Liên vận là vần liền, giống như thơ 3 vần của tứ tuyệt luật thi.
Sau đây là bảng luật thơ.
A. Luật trắc vần bằng:
t-T-b-B-T-T-B (vần)
b-B-t-T-T-B-B (vần)
b-B-t-T-B-B-T
t-T-b-B-T-T-B (vần)
Thí dụ:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng (vần)
Trời ơi người ấy có buồn không (vần)
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng (vần)
                               (TTKH)
B. Luật bằng vần bằng:
b-B-t-T-T-B-B (vần)
t-T-b-B-T-T-B (vần)
t-T-b-B-B-T-T
b-B-t-T-T-B-B (vần)
Thí dụ:
Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn (vần)
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn (vần)
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương (vần)
                                           (TTKH)
Ghi chú:
Chữ B-T lớn là luật thơ, nên tuân theo.
Chữ b-t nhỏ có thể làm bằng hay trắc cũng được, không nhất thiết phải tuân theo bảng luật thơ.
2. Cách vận:
Cách vận là vần cách, giống như thơ 2 vần của tứ tuyệt luật thi.
Sau đây là bảng luật thơ.
A. Luật trắc vần bằng:
t-T-b-B-B-T-T
b-B-t-T-T-B-B (vần)
b-B-t-T-B-B-T
t-T-b-B-T-T-B (vần
Thí dụ:
Thuở ấy lòng tôi phơi phới quá
Hồn thơ nguyên vẹn một trời hương (vần)
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương (vần)
                               (TTKH)
B. Luật bằng vần bằng:
b-B-t-T-B-B-T
t-T-b-B-T-T-B (vần)
t-T-b-B-B-T-T
b-B-t-T-T-B-B (vần)
Thí dụ:
Ðẹp gì một mảnh tình tan vỡ
Ðã bọc hoa tàn dấu xác xơ (vần)
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chẳng nên chờ (vần)
                                   (TTKH)
Ghi chú:
Chữ B-T lớn là luật thơ, nên tuân theo.
Chữ b-t nhỏ có thể làm bằng hay trắc cũng được, không nhất thiết phải tuân theo bảng luật thơ.
Bài thơ minh họa cho thể thơ bảy chữ:
Tình buồn
Chiều nhìn biển vắng lúc hoàng hôn
Tiếng sóng lao xao chợt thoáng buồn
Bãi cát đìu hiu khơi nỗi nhớ
Một thời mơ mộng với yêu đương
Sương thấm bờ vai buốt lạnh lùng
Thu về ảm đạm nhuộm rừng phong
Nắng chiều vàng vọt pha màu cát
Sóng biển nhấp nhô thoáng chạnh lòng
Thỏ thẻ nàng hay nói với tôi
Cuộc đời không có được ngày vui
Duyên mình hư ảo như mây khói
Chắc sẽ có ngày đổ vỡ thôi
Bốn mắt nhìn nhau biết nói gì
Ngậm ngùi lưu luyến phút chia ly
Tình yêu ngang trái nhiều ngăn cách
Dù nhịp tim lòng chẳng giảm suy
Cay đắng tình ta đã lỡ làng
Đôi bờ ân ái lỡ yêu đương
Xa nàng tôi khổ tôi buồn lắm
Thôi hết thầm mơ pháo nhuộm đường
Lá đổ mấy mùa mấy độ thu
Lòng mang tình hận đến bao giờ
Mênh mông nỗi nhớ vô cùng nhớ
Ngoài mặt làm ngơ giả hững hờ
Chẳng trọn cùng nhau suốt cuộc đời
Mong nàng thấu hiểu được tình tôi
Từ đây đến chết lòng tôi vẫn
Ghi khắc trong tim chỉ một người
Hồi tưởng ngày xưa mình quen biết
Nhớ nhau lại nhớ áng thơ xưa
Thơ còn ấp ủ mà tim vỡ
Thơ viết tươi màu máu thắm pha
Nàng vẫn thường than thở với tôi
Đôi bờ ngăn cách quá xa xôi
Tay nào với tới niềm mơ ước
Trời hỡi tình ta lỡ mất rồi
Biển vắng hoàng hôn nhạt nắng mờ
Thu tàn thu đến lại tàn thu
Bao mùa thu chết tình không chết
Bến cũ còn mong một chuyến đò
Em bảo rằng em chẳng lấy chồng
Thương nàng chung thủy chịu phòng không
Nhưng đời cay nghiệt đành ôm hận
Khóc cuộc tình tan lệ thắm hồng         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]