Tạ ơn trời! CHỮ ĐỘNG

Tạ ơn Trời! Mỗi sớm mai thức dậy, ta có một ngày mới để yêu thương

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

THĂNG HOA CÙNG ÂM NHẠC



Photobucket 
           THĂNG HOA CÙNG ÂM NHẠC 
              Cùng hát lên!
         Từ xưa tới nay, tiếng hát luôn là một biểu hiện của niềm vui. Tiếng ca chỉ vang lên được khi tâm hồn thanh thản và ngập tràn cảm xúc. Có thể là một khúc ca vui hay điệu nhạc buồn, tiếng hát vẫn như một cơ hội mở cửa tâm hồn cho những rung động dâng trào. Không phải ai cũng biết hát, nhưng ai cũng thích nghe hát, nhất là khi lời ca hòa hợp vào với tâm trạng của mình. Từ thưở trong nôi, tiếng hát của mẹ đã dỗ giấc ngủ êm đềm cho bé thơ, và tiếng hát cứ theo em suốt cuộc đời : tôi hát cho người và người hát cho tôi. Lời thơ thành bản nhạc, cuộc sống hóa tâm tình để đưa vào dòng chảy âm nhạc những ca khúc trữ tình ấm áp. Những lồng lộn của đấu tranh, những rạo rực khát vọng cũng hòa lên khúc hùng ca nóng bỏng. Cả những bài ca không nốt nhạc, những lời hát không âm thanh cũng đã góp phần làm cho cuộc đời thêm hương sắc đầy thi vị.
         Thế trần đầy dẫy tiếng ca, trong đó có lời ca chan chứa tin cậy mến và đầy ắp tâm tình cảm tạ về một Đấng đầy nhân hậu và tuyệt đỉnh yêu thương, một Thiên Chúa Nhập Thể, một thiên đường huyền diệu của các thánh nhân như lời sách Khải Huyền.
         ĐI VÀO DÒNG NHẠC THÁNH
         Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa, nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao. Phụng vụ là buổi cầu nguyện, là cuộc gặp gỡ thần thiêng giữa con người và Thiên Chúa. Chính bởi sự thánh thiêng đó mà tính chất quan trọng đích thực của một buổi phụng vụ không lệ thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho đẹp mắt, mà là dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng hợp, trang nghiêm và đạo đức.
         Ngày trước, Thánh nhạc theo trường phái Gregorious, nhạc đa âm cổ điển và hiện đại với nhiều hình thức khác nhau, nhạc soạn cho đại quản cầm và các nhạc khí được công nhận, còn lời ca là các ca khúc bình dân, phụng vụ và tôn giáo. Về sau, với cái nhìn đại đồng hơn của công đồng Vatican đệ nhị, thánh nhạc cũng được uyển chuyển để phù hợp với văn hóa của mỗi dân tộc dù vẫn có quy chế và nguyên tắc chung của giáo hội.
         Trong những thập niên trước đây, dòng nhạc thánh ca Việt Nam được sử dụng trong thánh đường thường được viết theo cung bình ca với những lời là ý tưởng cầu nguyện. Nội dung lời nguyện đó khi thì lấy từ thánh vịnh hoặc từ suy tư từ thánh kinh, nhưng thường cũng rất ‘tình cảm’ và có khi cũng nhân hóa hơi kỹ đến độ không hợp với thần học. Có những bài hát đã đi sâu vào lòng người “êm đềm triền miên, nơi nhà chầu vắng, cha ngồi chờ con trong cô đơn âm thầm…” Ca từ đẹp, dòng nhạc trữ tình sâu lắng…. Hay như bài ca đã làm bao con mắt ngấn lệ khi nguyện cầu “trên con đường về quê mà vắng bóng mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai…” nhưng xét về mặt thần học thì không hay lắm Cũng có một thời cuộc canh tân những bài thánh ca mang cung điệu tân nhạc hơn và biến thành nhạc thánh ca vào đời. Bài hát được hòa nhạc với một ban nhạc đàn trống xập xình vui ghê. Nhưng rồi cái gì cũng có giá của nó. Dòng nhạc bình ca thì man mác cảnh đồng quê bình thản, nhạc tân thời thôi thúc như cuộc bon chen mà đời sống này đang nghẹt thở.
         HÁT LÀ HAI LẦN CẦU NGUYỆN
         ‘Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát’… nên thánh nhạc cũng rất hữu hiệu để nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu, khi họ cử hành Lời Chúa và làm các việc “đạo đức, thánh thiện”
         … Để sự tham dự của cộng đoàn trở nên hoàn hảo hơn, ngoài tâm tình bên trong còn phải có sự tham dự bề ngoài được tỏ lộ bằng các hành vi ngoại tại như tư thế thân mình (quỳ, đứng, ngồi), các dấu chỉ của nghi lễ, và nhất là những lời đối đáp, cầu nguyện và ca hát’. (trích Instructio de Musica in Sacra Liturgia - Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ của Bộ Phượng Tự, ngày 03-09-1953)
         Quả vậy, các buổi phụng vụ sẽ ‘có hồn’ hơn nếu mọi người tham dự cùng tích cực đối đáp, ca hát. Nhất là khi mỗi người đều cảm được từng lời mình đọc, hát…như là chính tiếng nói từ cõi lòng tâm sự với Thiên Chúa. Muốn được như thế, vai trò của ca đoàn, của người hướng dẫn phụng vụ rất nặng nề vì phải làm sao cho mọi người cùng ‘hướng tâm hồn lên’. Có ca đoàn thì thích có những bài hát mới, những nét độc đáo riêng nên chuẩn bị món ăn tinh thần thật kỹ. Tuần nào cũng có bài hát mới, có khi bài cũ nhưng điều chỉnh cung điệu tí cho mới. Người thích nghe nhạc thì tấm tắc khen hay, nhưng người thích hát để cầu nguyện hai lần thì chưng hửng. Có thuộc đâu mà hát chung, mà lỡ bài bị đổi cung giọng chút thì mình lỡ nhịp ngay. Thôi thì đành…hát nhép để cùng thông công vậy!
         Nếu có dịp di nơi này nơi khác và có tham dự phụng vụ cùng các cộng đoàn, chúng ta có thể học hỏi thêm về cách tổ chức giờ cầu nguyện thật sinh động. Trong một nhà thờ vùng sâu tại Thái Lan, số người tham dự chừng vài trăm người, nhưng cả già trẻ lớn bé đều cầm sách hát và vươn giọng theo với cung đàn. Những bài thánh ca đã được tuyển lựa theo phụng vụ và chắc là rất quen thuộc. Ngay tại miền sông nước Đầm Dơi, Cái Nước, tôi cũng bắt gặp những buổi phụng vụ thật trang trọng ngay trong những thánh lễ thường ngày. Tuy có đan chen một vài giọng chưa đạt tiêu chuẩn ‘ai-đồn’ (Idol), nhưng mỗi người có cách ca tụng riêng bởi cả những hạn hẹp của khả năng.
         Đồng ý rằng ca đoàn có thể lựa chọn những bài ca cho phù hợp với chủ đề phụng vụ mỗi ngày, nhưng không có nghĩa là cá biệt hóa tất cả. Những bài hát đáp ca, những câu tung hô là phần của cộng đoàn thì hãy dành cho cộng đoàn. Ý nghĩa phụng vụ lời Chúa rất sâu sa, ‘Chúa nói với ta và ta thưa cùng Chúa”. Chúa nói thì có thể nghe đấy mà ta thì không nói được câu nào. Không có được ‘tiếng nói chung’ thì có tiếng nói riêng thôi hoặc lim dim nương theo tiếng nhạc xập xình bên tai. Và câu xướng trước bài Tin Mừng thì cần biểu lộ niềm vui khi vang lời Alleluia, phần này cần hát thì thường người ta chỉ đọc. Chính vì không được huấn luyện hoặc chuẩn bị trước cho thánh lễ hoặc buổi phụng vụ, nên người giáo dân thường tham dự cách ù lì, không tích cực và có lẽ cũng chẳng mấy mến chuộng sinh hoạt thần thiêng này!
         Về vấn đề này thì theo tôi, vị chủ tế phải phát huy được vai trò “nhạc trưởng” hoặc xa hơn nữa là cha xứ, người có trách nhiệm điều hành và tổ chức phụng vụ cho giáo xứ. Bên cạnh cha xứ, rất cần những người hiểu biết về phụng vụ và ca hát để dẫn buổi cầu nguyện cho liền lạc, phong phú. Không phải cha xứ nào cũng là nhạc sĩ hay ca sĩ mà đòi hỏi ngài hát hay, nhưng cha xứ cần thông thạo cách tổ chức và giao trách nhiệm cho những người có năng lực phục vụ cộng đoàn. Chỉ có phần mà cha không ‘bán cái’ cho ai được là phần giảng thuyết, bài giảng của cha sẽ thấm hơn, hấp dẫn hơn khi có chất hùng biện và cung giọng trầm bổng dễ nghe. Cách nói khiêm tốn cứ rù rù như hụt hơi khiến cả cái mi cờ rô cũng không hút nổi tiếng, thì chắc cũng làm khổ cái tai của cử tọa không ít. Về điểm này thì đề nghị quý vị trong vai trò chủ tế nên lấy chuẩn cung La (diapason) để mở đầu cho các lời chào hay giọng đọc, khi đó phần xướng đáp của cộng đoàn cũng ‘râm ran’ hơn.
         Tiếp nữa là đến vai trò quan yếu của ca đoàn hay người dẫn lễ. Việc chọn bài hát cho phù hợp với ý nghĩa phụng vụ là cần thiết. Không thể lễ Thánh Tâm mà cứ đưa ‘mẹ ơi con yêu mẹ’ ra hát, nhưng những bài hát trong thánh lễ phải được cả cộng đoàn cùng hát. Nên chăng có một ít phút tập hát cho cộng đoàn trước khi cử hành phụng vụ? Đã có nhiều thánh đường in sách hát cộng đồng gồm những bài thánh ca quen thuộc, chỉ cần ghi số trang hay số bài là cả cộng đoàn cùng mở sách hát vang. Cũng có nơi hiện đại hơn với những màn hình rộng đặt nhiều nơi trong nhà thờ và lời bài hát cứ lần lượt hiện ra như karaoke…xem ra cũng hiệu quả lắm. Điều quan trọng là ‘kích hoạt’ được sự tích cực của cộng đoàn khi tham dự phụng vụ. Nét bề ngoài thể nào chẳng thấm nhiễm vào bên trong, để bề trong căng tràn sẽ tỏa ra bề ngoài…
         Nhạc công. Chắc phải thêm một từ nữa là nhạc công thánh ca, một vai trò độc đáo góp phần không nhỏ làm sinh động bầu khí phụng vụ. Người này có thể sử dụng thành thạo đàn phong cầm hay keyboard cũng đủ. Ở Việt Nam hiếm được mấy nhạc sĩ chơi đại quản cầm, hơn nữa cũng có vài cái mới được nhập về nên không mong gì mỗi nhà thờ đều có được. Tuy nhiên, loại đàn điện tử hiện nay cũng có nhiều chức năng mà một tay chơi trình độ cũng có thể tạo ra một dàn nhạc concerto dễ dàng. Dù vậy, nhạc thánh đường không giống như nhạc phòng trà. Nhạc công cũng cần nắm bắt những quy định về thánh nhạc để đừng biến nhà thờ thành quán nhạc. Nhạc thánh đường đòi hỏi kỹ thuật hòa âm thật ôn hòa, đầy đặn và tâm tình. Tiếng đàn phải nâng được tiếng hát và làm đầy những khoảng trống (gian tấu) cách điêu luyện thì bản thánh ca sẽ càng tâm tình hơn. Muốn thế, nhạc công phải theo sát ca đoàn và cùng luyện tập với ca đoàn thì mới mong thoát cảnh trống xuôi kèn ngược. Ở một vài xứ đạo, ‘nghệ thuật’ đàn theo hát chứ không phải hát theo đàn là chuyện thường tình. Nhạc công cần bén nhậy việc nâng cung giọng cho ca đoàn, nếu không thể nâng thì phải theo cộng đoàn vậy, miễn sao đừng để ngang cung lạc giọng.
         Tại các nhà thờ ở Pháp, nhạc công phải là người đã qua đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn mới được đệm đàn trong thánh đường. Dĩ nhiên họ được trả lương xứng đáng. Ở Việt Nam thì lòng thành và phục vụ là chính, nên việc khuyến học cho các nhạc công để trau giồi thêm ‘tay nghề’ cũng là việc nên làm.
         Cuối cùng là chức vụ của cộng đoàn.
         Cộng đoàn là đối tượng trung tâm để mọi tổ chức, lễ nghi cần quan tâm. Phụng vụ là buổi tôn thờ Giavê, nhưng cũng là cơ hội để hướng cộng đoàn đồng tâm hợp nhất trong ý hướng tôn thờ ấy. Không có cộng đoàn, mọi tổ chức mất dần hết ý nghĩa.
         Cộng đoàn là một tập thể phức hợp, gồm nhiều giới, nhiều trình độ và cả phong cách cũng khác biệt. Do đó hướng dẫn thánh ca cho cộng đoàn cũng cần có nghệ thuật riêng. Cộng đoàn rất dễ bị lôi kéo sai cung lạc giọng, nhất là những bài hát cộng đồng quen thuộc. Không có sự hướng dẫn cụ thể, các bài hát sẽ kéo dài lê thê và có khi làm mất cả ý nghĩa của bài hát. Thí dụ kinh Vinh danh trong các lễ kính – lễ trọng, nếu được hát như lối viết của Đức cha Hòa cho bộ lễ Seraphim thì không rời rạc, nhưng các cộng đoàn lại ‘ad libitum’ quá nhiều khiến những người quen hát đúng thường bị …lỡ tàu! Có lần thử đọ thời gian khi hát kinh Vinh danh bằng dòng nhạc chuẩn và dòng nhạc cộng đoàn, tôi nhận ra dòng nhạc chuẩn chỉ mất một nửa thời gian của cộng đoàn.
         Thế nên cộng đoàn cũng cần có nhạc trưởng điều khiển trong các buổi phụng vụ. Hãy gửi cho cộng đoàn những bài thánh ca để họ được cầu nguyện hai lần. Tuy rằng trình độ ca hát của cộng đoàn cách chung thì chẳng đặc sắc lắm, nhưng chính cái đơn sơ và thành kính của lời cầu nguyện cộng đồng lại khiến đất trời gần gũi nhau hơn. Vậy những vị hữu trách hãy tìm cách trả lại cho cộng đoàn chức vụ cao quý của họ, để chính họ cũng thi hành chức vụ tư tế cộng đồng khi tham dự phụng vụ. chứ không thụ động là chỉ nghe hay xem lễ mà thôi.
         Để kết, xin cùng tôi hát lại lời Thánh vịnh 103 để bày tỏ tâm hồn mình :
Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng Chúa
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.
Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thỏa,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.
                                      Nguồn : www.dunglac.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]