Tạ ơn trời! CHỮ ĐỘNG

Tạ ơn Trời! Mỗi sớm mai thức dậy, ta có một ngày mới để yêu thương

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Những bài học từ cuộc sống - ĐỖ TUYẾN – BÙI THỊ THÚY

ĐỖ TUYẾN – BÙI THỊ THÚY

ĐỖ TUYẾN – BÙI THỊ THÚY
VÀ NHỮNG BÀI SUY NIỆM SƯU TẦM

Photobucket
  ĐỪNG LO
Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được (Mt. 6, 24).

        Được hiện hữu trong đời là một hạnh phúc tuyệt vời. Từ hư không, mỗi người chúng ta được cha mẹ đưa vào đời qua sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi người được chia sẻ và hưởng nếm cuộc đời trong một khoảng thời gian. So với đời đời, thì mỗi người chúng ta chỉ tham dự vào vòng xoay của bánh xe lịch sử một chút. Thời gian cuộc sống dài vắn không quan trọng. Quan trọng nhất là chúng ta sống làm sao cho những tháng ngày hiện hữu trên trần gian có ý nghĩa và giá trị. Chúa Giêsu khuyên dạy rằng: Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?( Mt. 6.25). Ai sống lâu lắm cũng chỉ trên trăm tuổi. Điều quan trọng nhất là ngày chúng ta được sinh vào đời, cùng đồng hành với mọi người và đạt tới cùng đích của cuộc đời.           Nhìn vào mốc thời gian, đã có biết bao nhiêu con người đã xuất hiện và đã ra đi. Hình ảnh những người trai trẻ hay những ông bà cụ già cứ lần lượt biến đi khỏi cuộc đời. Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh đưa tiễn người thân hay cảnh chết chóc hàng loạt qua sự cố như động đất, sóng thần, bão lụt hay tai nạn. Đã có biết bao nhiêu thế hệ của con người đã qua. Nhưng Thiên Chúa hằng hữu luôn quan phòng cho mọi loài Chúa đã dựng nên. Khi chúng ta có cơ hội nhìn xem những phim tài liệu về cảnh sống thiên nhiên, chúng ta mới cảm nhận được rằng sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi dự trù của con người. Hằng năm, có cả triệu triệu con chim di chuyển từ Bắc Cực tới Nam Cực để tìm mồi và đến vùng nắng ấm để sinh sản truyền giống, sau đó lại bay trở về chốn cũ. Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?(Mt.6,26).          Sự sống là một mầu nhiệm. Cuộc đời mỗi người dài vắn tùy theo số mệnh. Mỗi một ngày sống là một hồng ân. Có những người sống và làm nên tên tuổi. Có những người sống âm thầm lặng lẽ nhưng không thiếu giá trị. Chúng ta thường đánh giá đời sống con người theo những chức bậc, thành qủa mà họ đã làm nên và được ghi danh sử sách. Những ảnh hưởng của họ trên cuộc sống xã hội và con người được báo chí hàng năm đăng tải tên tuổi những người có quyền lực nhất trên thế giới. Theo báo IGN Entertainment, năm 2001 người có quyền lực số một là ông tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, rồi đến thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Năm 2011, người có quyền lực nhất là tổng thống Trung Hoa Hu Jintao, rồi đến tổng thống Barack Obama. Đây là sự nhận định của nhà báo và sự đánh giá của con người xã hội. Chúng ta biết rằng dù ai tài giỏi, giầu có thế nào đi nữa, họ bước lên rồi lại có ngày bước xuống. Chẳng có ai nào cầm quyền mãi. Rồi cũng sẽ có ngày phải buông xuống, bỏ lại tất cả và ra đi. Trước mặt Chúa, tất cả sự khôn ngoan giầu có và quyền lực của con ngừoi chỉ là phẩn thổ.
           Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt.6, 34).
Lo lắng tích trữ cho sự giầu sang của mình rồi được gì? Trong những ngày qua, đọc tin tức trên báo có nhiều sự cố xảy ra. Trên báo Daily News tường thuật vụ tự tử của Mark Madoff, con của một nhà tỉ phú tên là Bernie Madoff . Ông Mark cũng là triệu phú đã thắt cổ tự tử khi tuổi đời mới 46. Một hoàn cảnh thảm thương, ông bố tỉ phú bị kết án tù chung thân tới 150 năm vì tội tham lạm gian dối và lừa đảo tiền của. Mark Madoff không thể chịu sức ép tư bề bởi lề luật, tòa án, dư luận và lương tâm. Anh đã kết liễu cuộc đời bằng một giây thòng lọng. Gia đình đã âm thầm viếng xác và thiêu xác một cách kín đáo. Ông bố trong tù cũng không muốn xin phép để về tiễn biệt con lần cuối. Tuần qua trên báo mạng New York lại loan tin một bà cụ tên Frida Tsirinsky, 86 tuổi sống ở Brooklyn đã bị người con trai Yefim Tsirinsky, 52 tuổi làm ngộp chết. Cũng chỉ vì đồng tiền đã làm mờ mắt và giết hại lương tâm. Anh đã lấy gối đè trên mặt mẹ cho ngộp thở và anh nói rằng đây là cách chết êm dịu.
           Để đi trọn cuộc lữ hành trần thế, chúng ta cứ phải phấn đấu không ngừng. Tôi thường có dịp đi thăm những người già cả trong vùng. Tôi không hiểu nổi tại sao có qúa nhiều cụ già sống đơn côi trơ trọi một mình. Con cháu thì ít mà mỗi người lại sống một nơi. Khi bệnh hoạn nằm xuống, chẳng có người thân nào bên cạnh. Có một câu truyện xảy ra cách đây không lâu: Có một ông cụ tên Paul chết, tại một tiểu bang gần bên, nhưng người thân lại muốn mang xác về vùng Bronx này để chôn, vì xưa ông đã được rửa tội và lớn lên tại đây. Mọi sự sắp đặt gọn gàng, xác được đưa về nhà quàng, sắp xếp thánh lễ an táng và có huyệt mộ nơi nghĩa trang để chôn cất. Khi đưa quan tài vào Nhà thờ để được dâng lễ An Táng, chỉ có hai nhân viên của nhà quàng đưa quan tài vào nhà thờ. Không có một người thân. Chỉ có linh mục dâng lễ và người đánh đàn hát lễ. Chỉ có thế. Thật buồn!
          Trong những ngày qua, đã có những cuộc biểu tình chống đối chính phủ tại Ai-Cập. Người dân xuống đường đòi quyền lợi và muốn truất phế tổng thống. Tổng thống Bosni Mubarak đã cầm quyền 30 năm. Cả cuộc đời ông đã góp nhặt làm giầu cho bản thân và gia đình với số tiền khổng lồ qua nguồn phú túc của dân nước. Ông bị dân chúng tẩy chay và ghét bỏ. Ông đã phải từ chức và bỏ lại sau lưng tất cả quyền lực và danh dự. Dĩ nhiên ông đã làm nhiều điều tốt đẹp cho đất nước và nhân dân. Nhưng chính sách của chính phủ cũng không tránh khỏi những sự đán áp bạo tàn và đối xử bất công xã hội. Người dân trong nước bức xúc đã đứng lên đòi quyền lợi cho cuộc sống chung. Chúng ta thấy 30 năm nhiệt tâm phục vụ cho đất nước và dân tộc, cuối cùng ở tuổi đời 82, cũng phải buông xuống trong lao đao lận đận.
          Làm sao chúng ta có thể tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời? Một ngày kia, tôi có dịp vào thăm một nghĩa trang của Nhà Dòng Kín, miền bắc của Tiểu bang Nữu Ước, trên mộ bia người ta chỉ ghi ngày, tháng và năm lìa trần. Họ không ghi ngày sinh tháng đẻ. Nên chúng ta không biết họ sống bao nhiêu tuổi, nhưng chúng ta biết chắc chắn là họ đã hiện hữu trong cuộc đời này. Các Dì không tích trữ của cải đời tạm này. Các Dì đã hiến dâng cả cuộc đời âm thầm cầu nguyện cho mọi người và cho Giáo Hội. Nếu chúng ta chỉ nhìn ở những thành quả bên ngoài thì tưởng là các Dì không góp phần sinh hoa trái cho xã hội và con người. Thật ra các Dì đã có một đời sống sinh ích cho nhiều người qua cuộc sống nội tâm sâu xa và phong phú kết hợp với Chúa. Các Dì ra đi thanh thản và vui hưởng một cuộc sống viên mãn bên Chúa tình thương như Chúa đã hứa: Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho (Mt. 6,33).          Chúng ta không thể cùng lúc làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Chọn Chúa và có Chúa, chúng ta sẽ có tất cả. Có Chúa làm chủ đời của chúng ta, chúng ta sẽ có sự khôn ngoan để đạt thành công trong mọi lãnh vực. Như xưa Vua Salômon đã không xin Chúa cho sống lâu, không xin giầu sang nhưng chỉ xin được ơn khôn ngoan để tài phán dân chúng. Chúa đã ban cho Vua Salômon sự khôn ngoan: Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp (Các Vua1. 3,12). Khi Salômon có sự khôn ngoan thì Chúa lại ban thêm cho của cải dư dật: Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi.(CV1. 3,13). Chúng ta cũng nên tập sống phó thác vào sự quan phòng của Chúa, Chúa sẽ không để chúng ta phải thất vọng. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?(Mt. 6,31). Cũng nên nhớ rằng Chúa ban cho chúng ta có trí khôn, có khả năng và sức khỏe để làm việc và sinh hoa trái. Chúng ta không thể ngồi đó mà chờ sung rụng, mà phải nỗ lực với khả năng của mình để sinh lợi cho cuộc sống.
          Người ta thường nói: Cọp chết để da, người chết để tiếng.
Cái gì sẽ còn lại sau cuộc sống này và cái gì sẽ có trong cuộc sống đời sau. Đây chính là then chốt và ý nghĩa của cuộc đời. Mọi người sẽ ra đi với bàn tay trắng, nhưng có những người ra đi còn bao nhiêu tiếng khóc tiếc thương, bao nhiêu nhớ nhung, biết bao thành tích đáng ca ngợi và sinh ích cho gia đình, tha nhân, xã hội và Giáo Hội. Bên kia sự sống, họ lại được đón nhận vào nơi hằng sống. Qủa là một cuộc sống nhiệm mầu và ý nghĩa. Khi chọn Chúa làm gia nghiệp, chúng ta sẽ được tất cả. Còn nếu chúng ta ôm lấy của cải đời này làm chúa tể, khi mãn cuộc đời dương thế, chúng ta sẽ ra đi với bàn tay trắng. Không có hành trang và không có cùng đích. Chúng ta sẽ đi về đâu? Tay trắng sẽ hoàn trắng tay.

                                      Lm. Giuse Trần Việt Hùng   Bronx, New York.                                              (AC.Tuyến-Thúy USA Gởi qua Email)


NGUYỆN CẦU.

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa. Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống. Thánh Marcô viết:
Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống (Mc. 12,17). Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì luôn luôn muốn kết hợp và chia xẻ. Tình yêu luôn đi tìm đối tượng yêu. Tình yêu của Thiên Chúa được in dấu trong trái tim con người. Con người tìm hướng về nguồn tình yêu. Tình yêu mời gọi tình yêu. Chúng ta nói rằng chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà lại không đến với Người là chúng ta nói dối. Yêu nhau là muốn gắn bó, ở gần và tâm sự với nhau. Cầu nguyện là một cách thế chúng ta liên kết với Chúa trong tình yêu.
Chúng ta có thể cầu nguyện trong mọi tình huống của cuộc đời. Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trong vũ trụ tự nhiên và trong con người. Tình yêu của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa bất cứ khi nào và chỗ nào. Tình yêu Chúa như biển bao la và tình yêu của chúng ta ví như giọt nước hòa trong biển cả. Chúng ta sẽ được ngụp lặn trong biển tình. Cầu nguyện là ý thức Chúa đang hiện diện với chúng ta qua mọi hoàn cảnh sống, qua người thân yêu và qua chính những biến cố buồn vui của cuộc đời. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa như chúng bắc một chiếc cầu nối liền hai bờ bằng lời nguyện. Cầu nối kết giữa Thiên Chúa và chúng ta.
Cầu nguyện thế nào? Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên cùng Chúa để ngợi khen, chúc tụng, cảm tạ và xin ơn. Có rất nhiều khi chúng ta rút bớt sự cầu nguyện bằng việc xin ơn. Chúng ta nhìn Chúa như ông chủ giầu có và đại lượng. Chúng ta cứ xin hết ơn này đến ơn khác theo ý muốn của chúng ta. Thật tốt lành khi chúng ta xin điều lành, điều thánh cho mình và cho người khác. Chúng ta luôn tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa sẽ đáp lời cầu. Chúa nhắn nhủ chúng ta rằng: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho (Mt. 7,7-8). Nhưng rồi chúng ta xin điều gì? Tìm cái gì? Gõ cửa xin gì? Điều chúng ta xin có cần thiết cho phần rỗi của chúng ta hay không? Nhớ rằng Chúa Giêsu đã dậy: Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được (Mt. 6,24).
Chúng ta cần cầu nguyện luôn như Chúa Giêsu đã dậy: Đức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (Lc.18,1). Cầu nguyện như hơi thở. Cầu nguyện là nhu cầu của đời sống tâm linh. Sự cầu nguyện cần thiết như cá cần sống trong nước. Chúng ta sống trong tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Cầu nguyện là ở lại với Chúa. Tâm sự với Chúa. Thưa truyện với Chúa. Cầu nguyện là hòa nhập trong tình yêu Chúa. Cầu nguyện để giúp chúng ta được làm sáng danh Chúa và vâng theo thánh ý Chúa. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ càu nguyện: Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển (Mt. 6,9)
Chúng ta hãy cầu nguyện khi gặp những gian truân thử thách và đau khổ. Chúa hứa rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt. 11,28). Cầu nguyện khi gặp thiên tai, mất mùa, đói khát và chán nản thất vọng. Chúng ta cứ chạy đến với Chúa tìm nguồn trông cậy ủi an: Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được (Mt. 21,22). Thiên Chúa là Cha nhân từ và độ lượng. Chúa không bỏ rơi những ai cậy trông vào Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta không cần phải nói nhiều lời, Thiên Chúa thấu tỏ lòng của chúng ta muốn gì và Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta theo lòng nhân hậu Chúa. Không phải bất cứ điều gì chúng ta xin là Chúa phải đáp ứng ngay. Chúa Giêsu dậy rằng: Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời (Mt. 6,7).
Cầu nguyện không phải là lộ diện cho người ta thấy mà khen. Hai người yêu nhau, họ không cần phải tỏ tình công khai ngoài đường phố. Họ có những nơi kín đáo để tỏ lộ tâm tình và chia xẻ tâm sự. Cầu nguyện với Thiên Chúa cũng thế, chúng ta cần có những tâm tình chiêm niệm và riêng tư tâm sự với Chúa, Đấng thấu tỏ mọi sự. Chúa Giêsu dạy: Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh (Mt. 6,6).
Chính Chúa Giêsu đã có nhiều lần đến nơi hoang vắng và cầu nguyện với Chúa Cha. Các Thánh sử đã ghi nhận Chúa Giêsu thường đi vào nơi hoang vắng để nguyện cầu: Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện (Lc. 5,16; Mt. 14,23; Lc. 6,12). Tuy sống và làm việc cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu vẫn chọn cho mình những giây phút riêng tư để kết hợp với Cha của Ngài. Thánh Marcô viết: Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện (Mc. 6,46)
Cần có thái độ khiêm nhượng trong khi cầu nguyện. Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta hình ảnh hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái và một người thu thuế. Một kẻ thì khoe khoang kể lể đủ điều, còn kẻ khác thì đấm ngực ăn năn xin ơn tha thứ. Chúa đã khen người có lòng khiêm hạ, Ngài nói: Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (Lc. 18,14).
Cầu nguyện với tất cả khả năng của con người. Cầu nguyện bằng ngũ quan bao gồm thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và cảm giác. Cầu nguyện được cảm nhận qua mọi hành động. Có khi chúng ta ngồi lặng yên ngắm nhìn Chúa. Chúng ta chiêm niệm sự thật sâu thẳm nơi trái tim Chúa bị đâm thâu. Có khi chúng ta nghe lời kinh, nghe khúc nhạc, nghe lời cầu nguyện và có khi chúng ta lắng nghe tiếng Chúa âm thầm mời gọi tự đáy tâm hồn. Có khi chúng ta thưởng thức những hương hoa thơm nồng của cung thánh và những mùi hương kinh ngào ngạt dâng lên Thiên Chúa qua khói trầm nghi ngút bay.
Cầu nguyện cho chúng ta được hưởng nếm những hương vị yêu thương qua Bí Tích Thánh Thể như những gịot suối nước ân tình. Chúng ta được lãnh nhận những vị ngọt ngào êm dịu của Lời Hằng Sống. Cảm nhận những xúc động, những run rẩy, những ngây ngất trong tâm trí và thân xác. Những giọt nước mắt ăn năn và những cảm xúc từ đáy tâm hồn được tỏ lộ trong khi cầu nguyện. Chúng ta được liên kết chặt chẽ với Chúa và hòa nhập trong tình yêu Chúa.
Những ân huệ của cầu nguyện giúp chúng ta bớt đi mọi sự dữ, bớt hận thù, bớt chiến tranh, bớt ghen tương, bớt tham lam, bớt ích kỷ, bớt giân hờn, bớt hoang phí, bớt chơi bời, bớt cộc cằn, bớt nói hành, nói xấu, bớt dèm pha và bớt lười biếng. Cầu nguyện làm cho chúng ta vơi bớt đi những hiềm thù và khích bác. Chúa dậy chúng ta rằng: Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em (Lc. 6,28)
Khi cầu nguyện thì tâm hồn của chúng ta sẽ thuộc về Chúa. Chúng ta sẽ được liên kết với Chúa, liên đới với nhau, được cùng chung với cộng đoàn, được lắng đọng, được mọi sự lành, được tha thứ và được yêu thương. Cầu nguyện sẽ đem lại sự bình an, thánh thiện, hòa thuận, an vui, thư thái và lãnh nhận hồng ân. Những ân thiêng sẽ giúp chúng ta sáp nhập với Chúa như cành nho dính vào thân cây nho. Chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành.
Chúng ta phải cầu nguyện luôn để vững tâm vào Chúa. Có nhiều khi chúng ta chán nản vì chúng ta cầu mãi mà chẳng được và xin hoài mà Chúa chẳng đáp lời. Chúng ta chỉ muốn được thêm phần lợi cho chúng ta. Biết rằng trước khi chúng ta xin điều gì, Thiên Chúa đã biết lòng mong ước của chúng ta. Có những điều không sinh lơi cho đời sống tinh thần, Chúa sẽ cho chúng ta những ơn khác cao trọng hơn. Chúa luôn nhắc nhở các tông đồ hãy cầu nguyện luôn, vì chúng ta biết rằng nhu cầu của thân xác sẽ đòi hỏi nhiều hơn nhu cầu của tinh thần: Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối."(Mc. 14,38).
Có muôn ngàn cách thế giúp chúng ta cầu nguyện liên kết với Chúa. Chúng ta có thể cầu nguyện chung hay cầu nguyện riêng. Cầu nguyện với cộng đoàn nhiều người hay với một nhóm người. Có thể đọc kinh ngoài miệng hoặc thầm thĩ trong lòng. Cầu nguyện có thể bằng hát thánh ca hay xướng thánh vịnh. Cầu nguyện có thể là suy gẫm và lắng nghe lời Chúa. Điều quan trọng của việc cầu nguyện là chúng ta dìm đắm trong sự hiện hữu và quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta có thể cầu nguyện mọi nơi mọi lúc: Khi thức dậy, khi ăn, khi lái xe, khi đi dạo, khi đi học, khi đi làm, khi về nhà, khi đi ngủ, khi dự lễ…cầu nguyện là luôn luôn đặt mình trước sự hiện diện của Chúa.
Học theo gương cầu nguyện nơi Chân Phước Gioan Phaolô II. Ngài là con người cầu nguyện. Một ngày 7 lần trong các giờ kinh nguyện và thánh lễ. Ngài cầu nguyện liên lỉ và có khi nằm sấp giang tay hàng giờ trước Nhà Tạm. Hằng đêm Ngài cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể Chúa. Ngài kết hợp mật thiết với Chúa, nên Ngài dám làm tất cả vì danh Chúa. Ngài luôn mời gọi chúng ta: Đừng sợ!
Tham dự thánh lễ là sự kết hợp mật thiết với Chúa cách tốt nhất. Chúng ta sẽ được sống trong bầu khí của cộng đoàn dân Chúa, được chung lời ca tiếng hát, được xưng thú tội lỗi, được ơn tha thứ và cầu chúc bình an cho nhau. Hơn nữa, chúng ta được lắng nghe lời Chúa và được tham dự vào tiệc Thánh Thể. Chúng ta được rước Chúa ngự vào lòng, tuy dù chúng ta không xứng đáng. Chúa đến với chúng ta và ban nguồn sinh lực dồi dào.
Lạy Chúa, chúng con nguyện xin cho Danh Chúa luôn cả sáng và Nước Chúa trị đến. Xin cho chúng con sống trong bình an và gặp mọi sự may lành. Xin đừng để chúng con rơi vào cạm bẫy của ma qủy. Xin ban sức mạnh để chúng con kiên tâm vững bước theo Chúa cho đến cùng.
                    Lm. Giuse Trần Việt Hùng Bronx, New York
                              Nguồn Mail: Tuyến – Thúy USA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]